“Khai thác” JCM ở TPHCM, tại sao không?

JCM là cơ chế bù trừ phát thải carbon song phương được Nhật Bản xây dựng, đề xuất triển khai. Theo cơ chế này, phía Nhật Bản sẽ cung cấp tài chính, công nghệ để thực hiện các dự án giúp giảm phát thải khí nhà kính tại các quốc gia tham gia chương trình này với Nhật Bản. Các dự án được thực hiện sẽ chuyển đổi thành các tín chỉ carbon. Nhật Bản được sử dụng các tín chỉ carbon còn các quốc gia đối tác sẽ có cơ hội sử dụng sự hỗ trợ về tài chính của Nhật Bản để cải thiện và bảo vệ môi trường sống cho chính mình.
“Khai thác” JCM ở TPHCM, tại sao không?

JCM là cơ chế bù trừ phát thải carbon song phương được Nhật Bản xây dựng, đề xuất triển khai. Theo cơ chế này, phía Nhật Bản sẽ cung cấp tài chính, công nghệ để thực hiện các dự án giúp giảm phát thải khí nhà kính tại các quốc gia tham gia chương trình này với Nhật Bản. Các dự án được thực hiện sẽ chuyển đổi thành các tín chỉ carbon. Nhật Bản được sử dụng các tín chỉ carbon còn các quốc gia đối tác sẽ có cơ hội sử dụng sự hỗ trợ về tài chính của Nhật Bản để cải thiện và bảo vệ môi trường sống cho chính mình.

Cải tạo kênh, rạch, khơi thông dòng chảy, không để rác ứ đọng tại TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Nhiều tiềm năng JCM

Nói về tiềm năng tham gia JCM tại TPHCM, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM, nhận định bằng 2 từ “dồi dào”. “Yêu cầu về bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải carbon được đặt ra trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của TPHCM, từ giao thông vận tải cho tới nạo vét sông, kênh rạch, xử lý rác, xây dựng, sản xuất công nghiệp… Đây chính là tiềm năng dồi dào cho TPHCM tham gia cơ chế bù trừ phát thải carbon với Nhật Bản”, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt nói.

Chẳng hạn, về xử lý rác thải sinh hoạt, trung bình mỗi ngày TPHCM đang thải ra hơn 6.000 tấn rác sinh hoạt. Hầu hết rác trong số này đều được chôn lấp hợp vệ sinh. Chôn lấp hợp vệ sinh không gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn phát thải khí CH4 - một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh. Nếu đầu tư sâu hơn nữa, việc  chôn lấp rác để tạo khí phát điện thì với lượng rác thải khổng lồ, TPHCM sẽ thu được một lượng điện đáng kể bù đắp một phần cho nhu cầu sử dụng điện không nhỏ của thành phố. Tạo khí phát điện vẫn sản sinh ra khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính nhưng nguồn điện thu hồi được sẽ bù đắp phần nào cho khiếm khuyết kia. Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc sản xuất điện từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường như gió, rác thải… là chi phí sản xuất điện cao, khó bán điện cho ngành điện. “Tuy nhiên, Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn này cho doanh nghiệp. Như vậy, có thể nói với lượng rác thải khổng lồ, chỉ riêng trong lĩnh vực xử lý rác, TPHCM đã có một tiềm năng dồi dào để tham gia cơ chế JCM với Nhật Bản”, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt khẳng định.

Cải tạo kênh rạch, khơi thông dòng chảy, không để rác ứ đọng sản sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng là một lĩnh vực mà TPHCM có thể hợp tác thực hiện với Nhật Bản trong khuôn khổ cơ chế JCM. Hiện nay trong 5 lưu vực kênh rạch thoát nước lớn của thành phố gồm: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi - Kênh Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát mới chỉ có 2 lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé được nạo vét, khai thông. Lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm đang trong quá trình triển khai nạo vét. Hai lưu vực còn lại: Kênh Đôi - Kênh Tẻ và Tham Lương - Bến Cát vẫn đang trong giai đoạn tìm nhà đầu tư…

Ngoài 2 lưu vực này, TPHCM còn khá nhiều rạch nhỏ bị ô nhiễm trầm trọng… Để nạo vét, khơi thông dòng chảy cho cả một lưu vực lớn cần nhiều chi phí với những dự án cải thiện môi trường lớn nhưng nếu khoanh vùng, tập trung cho một số khu vực trọng điểm, giao cho các doanh nghiệp thực hiện, TPHCM không những sớm tranh thủ được các nguồn vốn bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu của Nhật Bản trong khuôn khổ JCM mà còn có thể thu hút được nguồn vốn bảo vệ môi trường của nhiều tổ chức quốc tế khác. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng, đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông dùng nhiên liệu thân thiện với môi trường, nếu có những số liệu cụ thể về lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, giảm phát, TPHCM cũng có thể tham gia vào cơ chế JCM của Nhật Bản, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt khẳng định

Khả năng phối hợp - vấn đề tối quan trọng

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP bên lề hội thảo “Tăng cường nhận thức về cơ chế JDM” do Cục Khí tượng - Thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) tổ chức ở Hà Nội cuối tháng 9-2014 vừa qua, ông Kenji Asakawa, Trưởng phòng Khí hậu và Môi trường, Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản đã cho biết, Việt Nam là quốc gia thứ 6 trong 12 nước đã ký bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng carbon thấp JCM với Nhật Bản. Tham gia cơ chế này sẽ được Nhật Bản hỗ trợ tới 50% kinh phí…

50% kinh phí, dù là với quy mô dự án như thế nào, đây cũng là một sự hỗ trợ lớn đối với công tác bảo vệ môi trường thường tốn không ít tiền. Thế nhưng, như nhiều nguồn tài trợ từ nước ngoài khác (trong nước cũng có những quy định tương tự) để nhận được sự hỗ trợ của Nhật Bản, phía Việt Nam phải xây dựng được những dự án cụ thể. Thông lệ không mới nhưng trong nhiều trường hợp, phía Việt Nam đã để vuột mất cơ hội. Đã có một câu chuyện mà mỗi lần nhắc lại không ít chuyên gia trong ngành vận tải và môi trường còn cảm thấy tiếc…, đó là khi Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM “tìm” được một khoản đầu tư từ nước ngoài lên tới 50 triệu USD cho hoạt động vận tải hành khách công cộng TPHCM. Thế nhưng “Do chậm tiến hành các thủ tục vay cần thiết, thành phố đã để vuột mất cơ hội vay này”, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt đã từng nói về việc trên như vậy.

Theo ông Kenji Asakawa, để tham gia các dự án thuộc JCM, trước hết các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm được một đối tác Nhật Bản. Phía đối tác Nhật Bản sẽ đứng ra đăng ký với Chính phủ Nhật Bản để tìm nguồn hỗ trợ cho dự án. Một hướng khác: các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên hệ trực tiếp qua cơ quan thường trực giúp việc cho Chính phủ Việt Nam thực hiện dự án là Cục Khí tượng - Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam để được tham gia cơ chế JCM. Tuy nhiên, dù với cách nào đi nữa, khả năng hợp tác của phía Việt Nam rất quan trọng. Như vậy, cần lắm một cơ chế hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phối hợp tốt, hiệu quả với các đối tác Nhật Bản.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục