Khám phá Thiên Cấm Sơn...

Người ta thường ví núi Cấm như là một “Đà Lạt thứ 2” của vùng ĐBSCL. Điều đó quả không sai nếu bạn thử một lần đặt chân đến An Giang để chiêm ngưỡng Thiên Cấm Sơn (tên chữ của núi Cấm), ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn hùng vĩ…
Khám phá Thiên Cấm Sơn...

Người ta thường ví núi Cấm như là một “Đà Lạt thứ 2” của vùng ĐBSCL. Điều đó quả không sai nếu bạn thử một lần đặt chân đến An Giang để chiêm ngưỡng Thiên Cấm Sơn (tên chữ của núi Cấm), ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn hùng vĩ…

Từ trung tâm TP.Long Xuyên, nếu đi bằng xe máy, bạn sẽ mất khoảng 2 giờ để đến được Thiên Cấm Sơn (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang). Bạn có thể đi lên thị xã Châu Đốc theo quốc lộ 91, vòng qua núi Sam (nơi có di tích Miếu Bà Chúa xứ nổi tiếng) rồi rẽ qua Tỉnh lộ 948 đến xã An Hảo. Hoặc bạn cũng có thể đi theo Tỉnh lộ 941 lên thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn) rồi rẽ vào Tỉnh lộ 948 đến xã An Hảo.

Hồ Thủy Liêm với tượng Phật Di Lặc sừng sững trên đỉnh núi Cấm

Hồ Thủy Liêm với tượng Phật Di Lặc sừng sững trên đỉnh núi Cấm

Kỳ bí nhưng gần gũi

Bon bon chiếc xe máy trên Tỉnh lộ 948, bạn dễ có cảm giác được sống hòa mình với thiên nhiên. Dọc hai bên đường là những hàng thốt nốt cao to kéo dài bất tận. Những tán lá rộng trông như lá cọ phủ mát gần hết con đường. Xa xa là bảy ngọn núi của dãy Thất Sơn nối nhau trùng điệp, một nét đẹp lạ ngay giữa đồng bằng. Càng gần đến Thiên Cấm Sơn thời tiết càng lạnh. Nhiệt độ trung bình ở đây khoảng từ 18-20oC. Vào những thời điểm khác nhau, ngọn núi cũng có những màu sắc khác nhau: Buổi sáng thì màu xanh tím, buổi trưa màu xám đen, còn buổi chiều thì màu trắng nhạt do phủ đầy sương.

Đến núi Cấm, bạn nên dừng nghỉ chân để thưởng thức vài món ngon vùng Thất Sơn và cảnh đẹp tự nhiên ở Lâm Viên, một khu du lịch rộng khoảng 23ha nằm bên triền núi. Từ đây, bạn chỉ cần mang theo chiếc ba lô nhỏ với một bộ quần áo, vài chai nước suối, thức ăn nhẹ và cây gậy trúc để bắt đầu hành trình khám phá Thiên Cấm Sơn.

Từ Lâm Viên, bạn chỉ mất khoảng 20 phút men theo lối mòn nhỏ là đến suối Thanh Long, con suối nước khoáng tự nhiên luôn chảy quanh năm từ lòng núi Cấm. Bạn không nên đi vội mà hãy đắm mình vào dòng suối mát rượi, tự tìm cho mình cảm giác dễ chịu, sảng khoái bằng cách nhắm mắt lại để lắng nghe tiếng kêu róc rách của dòng suối. Theo những người lớn tuổi, tắm suối Thanh Long rất tốt cho sức khỏe. Vừa qua suối Thanh Long là đến ngã ba “Cao nguyên Núi Cấm”. Nếu rẽ phải khoảng 1km nữa sẽ đến Vồ Thiên Tuế (“Vồ” là từ dùng để chỉ những chỏm núi). Sau đó bạn nên ngược hướng trái theo đường dốc lên chùa Phật Lớn. Trên đường đi có thể ghé thăm động Thủy Liêm. Động có rèm nước đổ che cửa hang, gợi nhớ về một Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký. Ghé qua Ô Cát thăm Vồ Bạch Tượng (một tảng đá lớn có hình con voi trắng đứng uy nghi bên sườn núi). Chùa Phật Lớn là một công trình cổ kính nằm bên những gốc bồ đề đồ sộ có tuổi thọ hơn một thế kỷ. Cạnh đó tượng đài đức Phật Di Lặc cao đến 33,6m, sừng sững giữa một vùng cây cối xanh um, mặt hướng về chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh. Đây là tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á hiện nay, đứng ở nhiều vị trí trên núi Cấm đều có thể nhìn thấy. Dưới chân tượng là hồ nước rộng lớn cung cấp nước quanh năm cho cư dân núi Cấm. Bạn cũng không thể bỏ qua chùa Vạn Linh, một kiệt tác về kiến trúc tôn giáo được rất đông khách hành hương thăm viếng. Từ đây, chịu khó mất thêm khoảng 45 phút vượt qua dốc núi cao, bạn sẽ lên đến Vồ Bò Hong, đỉnh cao nhất của Thiên Cấm Sơn với độ cao 716m. Vào những lúc trời quang, từ đây bạn có thể phóng tầm mắt ra tận biển Hà Tiên, nhìn thấy dãy núi Tà Lơn trên đất bạn Campuchia, vùng di chỉ Óc Eo - Ba Thê (khu Tứ giác Long Xuyên) - một nền văn hóa cổ xưa... Khoảng 3 giờ chiều, sương bắt đầu giăng phủ các triền núi, tạo nên không gian mờ ảo. Nếu chưa muốn xuống núi vội, bạn có thể ngủ lại ở các nhà nghỉ bình dân hoặc những trại dành cho khách thập phương trên núi để cảm nhận vẻ đẹp núi Cấm về đêm...

Con người hài hòa, dễ chịu…

Thất Sơn vốn được mệnh danh là vùng địa linh nhân kiệt. Ngay Thiên Cấm Sơn cũng từng xuất hiện nhiều danh nhân như tu sĩ Bảy Do (biệt danh ông Thầy núi Cấm), cùng thời với Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Thiên hộ Võ Duy Dương, Cố Quản cơ Trần Văn Thành... từng tụ nghĩa rèn quân, chống giặc Pháp xâm lược. Tuy vậy, người dân Bảy Núi lại rất hiền hậu, mến khách. Đến núi Cấm, điều đầu tiên du khách dễ cảm nhận là con người ở đây luôn vui vẻ, giá các dịch vụ, thức ăn cũng vừa ngon, vừa hợp túi tiền. Những ai từng lên Thiên Cấm Sơn không thể bỏ qua món bánh xèo Bảy Núi, đặc sản vùng này. Nhìn những rổ rau xanh non (rau mọc tự nhiên trên núi) được bày dọc đường lên núi, bạn đã muốn dùng ngay đĩa bánh xèo nóng hổi. Dù ở độ cao mấy trăm mét, nhưng mỗi chiếc bánh xèo chỉ có giá từ 7.000-10.000 đồng. Giá nước uống cũng rẻ, bình quân khoảng 5.000-7.000 đồng/ly. Những người dân tại đây hàng ngày phải gánh thức ăn, nước uống, men theo lối mòn để cung cấp cho các quán. Mỗi gánh nặng 50 – 60kg nhưng họ vẫn đi rất nhanh nhẹn. Rời núi Cấm, nếu còn thời gian bạn nên ghé thị trấn Tri Tôn để thưởng thức món cháo bò Bảy Núi, ăn một lần là nhớ mãi hương vị. Hoặc nếu về đường Châu Đốc thì ghé Tịnh Biên ăn một tô bánh canh Vĩnh Trung, đảm bảo không ở đâu ngon bằng…

Đường là những hàng thốt nốt cao to kéo dài bất tận

Đường là những hàng thốt nốt cao to kéo dài bất tận

Những du khách có óc tò mò, thích khám phá, khi trên đường từ chùa Phật Lớn xuống chân núi thường men theo lối nhỏ vào nhà của đạo sĩ Ba Lưới, một người ẩn cư lâu năm trên núi Cấm. Dù đã gần 100 tuổi nhưng đạo sĩ vẫn còn khỏe mạnh và sẵn sàng kể cho khách thập phương nghe những câu chuyện kỳ bí về vùng núi Cấm.

Nếu bạn không thích lên núi bằng đường mòn, có thể chọn đi xe ôm của nghiệp đoàn hoặc xe dịch vụ của Công ty Cổ phần Du lịch An Giang. Đường lên núi đã được xây dựng hoàn chỉnh và láng nhựa thẳng tắp. Giá tour từ chân núi lên chùa Phật Lớn khá “mềm”: 25.000 đồng/khách cho chuyến lên và 20.000 đồng/khách cho chuyến xuống. Sẽ còn rất nhiều điều thú vị ở Thiên Cấm Sơn nếu bạn tự mình đi khám  phá…

Bài, ảnh: ÁNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục