Còn nhớ cách đây chưa lâu, trong buổi làm việc giữa đoàn khảo sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM và Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn về các vấn đề chuẩn bị đầu năm học mới, hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Mười (xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) đã kêu cứu về chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Do trường được xây dựng trên nền đất nghĩa địa cũ nên chất lượng giếng khoan không đảm bảo. Địa bàn lại chưa có nước thủy cục nên mọi sinh hoạt đều dựa vào nước giếng. Phụ huynh vô cùng lo lắng về sức khỏe cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh. Song, những tưởng đây chỉ là một trong số những trường hợp hiếm hoi, nhà trường không đảm bảo về chất lượng nguồn nước sinh hoạt.
Nhưng mới đây, tại hội nghị Tổng kết năm học 2012 - 2013 và triển khai phương hướng, kế hoạch năm học 2013 - 2014 ngành học mầm non do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, vấn đề này được xới lại, nếu không muốn nói là trầm trọng hơn. Báo cáo tham luận của Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cho biết: “Còn nhiều điểm trường chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nước sinh hoạt phải xin nhà dân…”. Ai cũng biết đối với bậc học mầm non, sinh hoạt của các cháu ở trường không chỉ dừng ở việc học tập, ăn và ngủ mà còn vô vàn những hoạt động khác cần có nước sinh hoạt như rửa đồ chơi, vệ sinh, tắm giặt. Không thể hình dung một ngôi trường mầm non với hàng trăm học sinh theo học hàng ngày phải đi xin nước sinh hoạt! Vậy mà trong báo cáo tổng kết năm học của cơ quan chủ quản đã xuất hiện những con số thống kê hoàn hảo “trăm phần trăm” như 800/800 trường mầm non trên địa bàn TP đạt tiêu chuẩn nguồn nước sinh hoạt sạch, 474/474 trường tiểu học có nguồn nước đảm bảo, khiến xã hội rất an lòng. Như vậy, đâu mới là thực chất vấn đề? Đó là chưa kể đối với riêng bậc học mầm non, kết quả thống kê của ngành giáo dục còn cho thấy, nếu như ở thể loại công trình nhà vệ sinh dành cho giáo viên có 3.817/3.817 nhà vệ sinh đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 100%) thì đối với học sinh, chỉ có 9.312/9.758 nhà vệ sinh đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ chưa đến 96%). Như vậy vì sao có sự chênh lệch đó?
Thực tế hiện nay cho thấy chất lượng giáo dục đã và đang bị nhìn nhận một chiều theo hướng những con số thống kê tích cực của tỷ lệ đậu tốt nghiệp, số lượng học sinh đạt thành tích khá, giỏi khi ra trường… Nhưng nhu cầu của phụ huynh cũng như những đòi hỏi mà xã hội đặt ra cho ngành giáo dục đâu chỉ hạn hẹp trong phạm vi đó. Chúng ta đang mải mê chạy theo những thành tích bề nổi mà bỏ qua nhiều vấn đề tưởng như rất nhỏ nhưng lại có ảnh hưởng vô cùng to lớn về mặt sức khỏe và sự phát triển lâu dài cho học sinh như chất lượng nguồn nước sinh hoạt, nhà vệ sinh.
Thiết nghĩ đã đến lúc xã hội cần có cái nhìn đúng đắn hơn về cái gọi là “chất lượng giáo dục”. Nếu bỏ qua ngay cả những điều nhỏ nhất thì bộ mặt tổng thể sẽ không đồng bộ, khập khiễng.
THANH THU