Lạm phát, giá dầu mỏ, lương thực tăng đã ảnh hưởng đến cuộc sống, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó không loại trừ những nước có nền kinh tế phát triển. Để thích nghi với biến động mang tính toàn cầu, chính sách tiết kiệm được đề cao, từ chi tiêu công cho đến chi phí từng gia đình, để tồn tại trong giai đoạn khó khăn về kinh tế.
Chi tiêu trong gia đình được tiết giảm từ những khoản nhỏ nhất, vừa phù hợp với tình hình hiện tại, vừa đảm bảo mức sống bình thường không sút giảm nhiều. Tiết kiệm điện bằng cách tắt đèn ở những nơi không cần thiết, thay bóng đèn dây tóc bằng bóng compact, chọn thiết bị điện tiết kiệm điện cho gia đình, máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời. Nước máy chỉ dùng với lượng vừa đủ, tránh thừa thãi lãng phí trong sinh hoạt hàng ngày. Hạn chế khi đi lại với xe sử dụng xăng, có thể chuyển sang dùng xe đạp hoặc xe điện ở những cự ly gần, đi làm...
Thực phẩm mua phải tính toán để không thừa khi ăn xong, vừa đủ chất vừa hợp với giá tiền phải chi ra, tiết kiệm năng lượng khi chế biến và thức ăn vẫn thay đổi món. Có thể chuẩn bị cho gia đình tại nhà, giảm ăn điểm tâm ở ngoài, vừa hợp vệ sinh vừa giảm chi tiêu. Vật dụng, quần áo trong nhà chỉ mua sắm khi thấy thật cần thiết, có thể sử dụng tiếp tục những đồ dùng còn tốt chưa cần thay. Nếu cần hãy chọn mua những loại sản xuất trong nước, hạn chế loại phải nhập khẩu có giá trị cao. Mua sắm trong những đợt hàng giảm giá, vừa rẻ lại cũng chẳng thua gì hàng vào thời điểm bình thường.
“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, kinh nghiệm của dân gian chỉ ra lối sống thích ứng với từng hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt. Cân đối chi tiêu sao cho có lợi nhất là bài toán không dễ nhưng đều có thể làm được, từ cá nhân, gia đình cho đến cả nước phải chung sức, chung lòng để ích nước lợi nhà, cùng nhau phát triển và xây dựng đất nước phồn vinh. Vậy còn chần chừ gì nữa, mỗi cá nhân hãy bắt tay tiết kiệm ngay từ bây giờ.
NGUYỄN TẤN QUỐC