Mới đây, tại buổi công bố Báo cáo cuối cùng của Dự án Chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc (do Viện Chiến lược Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Phát triển Hàn Quốc tổ chức), các chuyên gia Hàn Quốc đã đưa ra những khuyến nghị rất đáng lưu ý về ưu tiên đầu tư trong điều kiện chiếc túi ngân sách của Việt Nam còn nhỏ hẹp.
Báo cáo nhận định, ở Việt Nam, vấn đề lớn nhất chính là thiếu hụt ngân sách nhà nước cho đầu tư kết cấu hạ tầng. Và một trong những giải pháp quan trọng cho vấn đề này là tư nhân hóa hay quốc tế hóa vốn đầu tư cho các sân bay, cảng biển.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia Hàn Quốc, từ năm 2001 đến 2010, lượng vốn đầu tư cho vận tải hàng không của Việt Nam chỉ chiếm 6% tổng vốn cho giao thông, tương đương khoảng 2,1 tỷ USD. 80% số tiền này lại được chi cho mua máy bay, chỉ còn lại khoảng 190 triệu USD đầu tư cho các cảng hàng không. Hệ quả là Việt Nam hiện có 22 sân bay đang được sử dụng cho mục đích dân sự, nhưng trong đó 3 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất) chiếm tới 85% tổng lượng hành khách vận chuyển. Các sân bay địa phương phần lớn đều nhỏ, thiếu thốn trang thiết bị do không đủ vốn đầu tư. Ngoài ra, do đầu tư dàn trải nên hiệu suất sử dụng của các sân bay này đều không cao.
GS Yeong Heok Lee, giảng viên Đại học Hàng không Hàn Quốc cho rằng, Chính phủ nên cho phép 3 sân bay quốc tế nói trên tự đáp ứng nhu cầu đầu tư bằng cách thu hút vốn tư nhân và vốn FDI; tập trung vốn ngân sách để nâng cao năng lực cho các sân bay địa phương. Các cảng hàng không nên hạ phí sân bay xuống mức thấp hơn so với cảng hàng không các nước lân cận. Khi thu hút được nhiều máy bay thì có thể tăng lợi nhuận từ hoạt động thương mại tại các ga hành khách và đây là nguồn lực tái đầu tư cho các cảng hàng không.
Tình hình cũng tương tự đối với hệ thống cảng biển của Việt Nam, nhiều về số lượng nhưng lại thiếu cảng nước sâu cho tàu container lớn theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, các cảng hiện hữu phần lớn đều thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ khoa học công nghệ lạc hậu, thiếu tính kết nối với các hạ tầng giao thông và các trung tâm logistics… Đáng nói hơn, TS Chu Quang Thứ, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nhận định, bản quy hoạch hệ thống cảng biển đến năm 2020-2030 vẫn tiếp tục thiếu vắng các cảng nước sâu, đủ sức đón các tàu trọng tải lớn.
Các chuyên gia tham dự hội thảo thống nhất nhận định, ngay cả ở các nước kinh tế phát triển, Chính phủ nào cũng không thể đầu tư cho tất cả các hạng mục hạ tầng, mà đều có chính sách huy động vốn tư nhân và vốn FDI. Vấn đề cốt lõi để thu hút được đầu tư là Nhà nước cần đảm bảo các quy định chính sách điều tiết vận hành phù hợp, không “thiên vị” cảng nào, hãng hàng không hay hãng tàu nào và không can thiệp sâu vào công việc kinh doanh của các cảng biển hay cảng hàng không. Nếu thành công trong việc khơi dậy các nguồn lực xã hội, đó chính là minh chứng đầy thuyết phục của cách hành xử khôn ngoan: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
ANH PHƯƠNG