Khi chất xám của giảng viên đại học bị xem nhẹ

Thu nhập,  môi trường giảng dạy, nghiên cứu là các yếu tố quyết định chất lượng giảng dạy cũng như sự gắn bó của các giảng viên (GV) đại học với nhà trường. Thế nhưng, thu nhập của GV đại học hiện quá thấp và đây là nguyên nhân khiến một số GV bỏ trường ra đi, số còn lại thì không dành hết tâm huyết cho giảng dạy… 

Thu nhập của GV các trường đại học bao gồm: lương cơ bản từ ngân sách nhà nước và 25% phụ cấp tính trên lương, từ nghiên cứu khoa học, từ phụ cấp giảng dạy tính theo giờ và từ thu nhập bên ngoài trường đại học. Tạm bỏ qua phần thu nhập bên ngoài trường đại học như dạy thêm, mở lò luyện thi… vì những GV “chân ngoài dài hơn chân trong” này thường không gắn bó, thiếu tâm huyết với công việc giảng dạy. Ở đây chỉ xét ba phần thu nhập: lương cơ bản từ ngân sách nhà nước và 25% phụ cấp tính trên lương, thu nhập từ nghiên cứu khoa học và thu nhập từ phụ cấp giảng dạy tính theo giờ.

Phần thu nhập lương cơ bản từ ngân sách nhà nước thì rất thấp, từ  1,5 triệu đồng/tháng cho trợ giảng có bằng cử nhân vừa mới ra trường đến khoảng 5 triệu đồng/tháng cho giáo sư, tiến sĩ. Điều bất cập ở đây là hệ thống lương chủ yếu dựa trên số năm làm việc, chứ ít dựa vào ngạch GV, chất lượng chất xám.

Theo quy định, GV vừa ra trường nhận công việc được hưởng lương khởi điểm, sau đó cứ 3 năm lên lương một lần. Hệ quả của cách xếp lương theo kiểu xơ cứng này dẫn đến thực tế người có bằng cử nhân giảng dạy các môn học phụ có thể có mức lương cao gấp rưỡi người có bằng tiến sĩ chịu trách nhiệm giảng dạy các môn học quan trọng. Tuy nhiên, rất ít GV có mức lương trên 3 triệu đồng/tháng, phần lớn GV chỉ có mức lương 2,5 triệu đồng/tháng trở xuống.

Phần thu nhập từ nghiên cứu khoa học được lấy từ kinh phí nghiên cứu khoa học do ngân sách nhà nước cấp. Không phải tất cả các GV đều có phần thu nhập từ nghiên cứu khoa học (vì ai có đề tài nghiên cứu khoa học mới có) và  nếu có thì thu nhập cũng dao động trong biên độ rất lớn từ một vài trăm ngàn đồng đến nhiều triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào cấp độ và kinh phí của đề tài.

Người làm đề tài chỉ có thù lao thích đáng khi kinh phí đề tài trị giá hàng trăm triệu đồng. Việc đăng ký đề tài, sử dụng tiền đề tài cũng như quyết toán rất phức tạp, nhiều quy định về chi phí công lao động rất nhiêu khê và không hợp lý so với giá cả thị trường luôn biến động. Việc đánh giá chất lượng đề tài không dựa trên tiêu chuẩn rõ ràng nên nhiều GV không “mặn mà”… với nghiên cứu khoa học.

Phần thu nhập từ phụ cấp giảng dạy theo giờ lấy từ nguồn học phí của sinh viên và được chi cho GV dựa trên số giờ dạy, các công việc khác mà người GV đảm trách. Với phần lớn GV đại học thì đây là nguồn thu nhập chính sau lương. Thù lao cho một giờ dạy ở các trường đại học khác nhau, tùy thuộc vào phần trăm học phí dành cho giảng dạy, cơ sở vật chất, quản lý phí….

Trường nào dành nhiều phần trăm học phí thu được cho giảng dạy thì thù lao giảng dạy cao, trường nào dành ít thì thu nhập thấp. Thông thường tiền thù lao giảng dạy càng cao phụ thuộc vào học vị, chức danh cao, thấp và ban giám hiệu của trường quyết định việc này. Phần thu nhập từ phụ cấp giảng dạy theo giờ của GV  dao động từ vài trăm ngàn đồng đến ba triệu đồng/ tháng, tùy theo từng trường.

Tóm lại, thu nhập của các GV đại học hiện nay dao động ở biên độ khá lớn từ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng đến trên 10 triệu đồng/tháng, trong đó mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng chiếm số đông. Nhìn chung, chỉ có thể kiểm soát được lương cơ bản, còn các khoản khác rất khó đánh giá và kiểm soát. Từ đây, xuất hiện những tiêu cực và bất công ngay trong đội ngũ GV tại các trường đại học. Hệ thống trả công lao động bất hợp lý như trên có lẽ chỉ tồn tại… ở Việt Nam! Theo tôi, đã đến lúc, cần nhanh chóng đưa toàn bộ hệ thống lương về một mối, đồng thời cần phải cải cách chế độ trả lương sao cho xứng đáng với công sức, trình độ của từng người và chất lượng công việc.

Mới đây, Bộ GD-ĐT có chủ trương giao quyền cho hiệu trưởng trả lương. Một vấn đề đặt ra là liệu khi hiệu trưởng quyết định trả lương bằng tiền không phải của ông hiệu trưởng thì có sự công bằng hay không? Ai dám đảm bảo rằng không có sự thiên vị cho người quen biết và người cùng phe cánh? Muốn có hệ thống lương và nguồn thu nhập xứng đáng, công bằng cho đội ngũ GV đại học, cần phải có các tiêu chuẩn về chất lượng giảng dạy, khối lượng công việc kèm  các tiêu chuẩn liên quan đến đặc thù của từng ngành nghề, môn học chứ không thể phụ thuộc vào chỉ một người!

Hệ thống đánh giá chất lượng giáo dục một cách chính xác và tối ưu nhất vẫn đang là niềm kỳ vọng của nhiều người.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục