Đọc sách cùng doanh nhân

Khi chìa cà rốt không được buông gậy

Nhiều doanh nhân đã gọi và trao đổi với chúng tôi về những bài học quản lý theo sách họ cần được thông tin tham khảo, bởi vì, công việc kinh doanh khiến không đủ thời gian đọc và nghiền ngẫm. Chính vì vậy, xin rút tỉa những gì qua sách thành những bài học quản lý ngắn được doanh nhân quan tâm.

Chìa cà rốt- không được buông gậy

Lần này, chúng tôi muốn nói về một quan điểm làm sao để kích ứng nhân viên làm việc, biết cách thưởng phạt. Bài học về củ cà rốt và cây gậy thì quá rõ. Thành Quân Ức đã tổng kết trong Tam @ Quốc có đến 10 loại cà rốt không tốn tiền để kích thích nhân viên trung thành và cống hiến hết mình. Đó là tiên nữ rắc hoa (khen ngợi và biểu dương), tỏ lòng quan tâm, vờ quan tâm, tặng kỷ vật, khiến công việc có sức ép, ban phát giấy khen, ăn trưa cùng nhân viên, cho nhân viên cơ hội tự đề ra mục tiêu, khích lệ tinh thần hy sinh của nhân viên, tạo môi trường cạnh tranh cho nhân viên.

Như số báo kỳ trước chúng tôi đã nói, Lưu Bị vì chủ quan, dùng người không đúng nên đã bị Lã Bố giành mất Công ty Từ Châu. Thành Quân Ức đã kết luận, trong quản lý học có câu “tướng thua, quân tàn”. Sau khi Lưu Bị trở thành giám đốc chi nhánh, anh tài trong công ty bỏ đi. Trần Đăng cơ trí cũng bỏ đi đầu quân cho Tào Tháo. Khi đến chào tạm biệt Lưu Bị, nghe Lưu Bị trách sao ngày đó khuyên nhận Lã Bố để giờ xảy nên cơ sự chó sói gửi chân, Trần Đăng cười đau khổ nhắc Lưu Bị về bài học là loại games điều khiển. Do Lưu Bị lơ là, cùng vợ đi hưởng tuần trăng mật, giao hết quyền cho Lã Bố, đến khi quay về thì Lã Bố đã kiểm soát toàn bộ sự vụ và sổ sách công ty. Theo Trần Đăng, sai lầm này ở chỗ, làm một nhà quản lý, bất kể giao quyền ở cấp độ nào cũng phải có một nguyên tắc rõ ràng: giao quyền không phải là vứt bỏ quyền lực của mình, mà là thông qua giao quyền để quyền lực của mình mạnh hơn. Lưu Bị sai lầm là chìa cà rốt nhưng lại vứt luôn cây gậy, đó không phải là giao quyền mà là trao quyền.

Giao quyền: một cốt lõi, hai cơ bản, 7 cụ thể

Vấn đề ở đây, nếu chỉ giỏi dùng cà rốt mà quên cây gậy thì không thể khống chế được công ty, khi đó người khác sẽ khống chế anh. Nói đơn giản, nhà quản lý thành công khi giao việc thì vẫn nắm trong tay một điều cốt lõi và hai điều cơ bản. Cốt lõi là hiểu rõ việc cần giao quyền, có cần giao quyền hay không và giao quyền như thế nào. Hai điều cơ bản là cần giám sát và hỗ trợ đối tượng được giao quyền.

Cũng theo đó, khi giao quyền phải lưu ý nắm bảy điểm trọng yếu. Thứ nhất, đề ra kế hoạch giao quyền, xác định nhiệm vụ nào cần giao quyền, sau đó thiết lập cơ chế kiểm soát và hỗ trợ. Thứ hai, trong giao quyền là khắc phục trở ngại cảm giác không yên tâm. Thứ ba, tìm người phù hợp để giao quyền. Thứ tư, người giao quyền phải đảm bảo người được giao quyền hoàn toàn hiểu nhiệm vụ của mình, phải làm người được giao quyền hiểu phạm vi tự chủ của mình đến đâu, không được tự vượt giới hạn. Thứ năm, thực hiện nghệ thuật giao quyền để đạt hiệu quả cao nhất. Thứ sáu, kiểm soát sự tiến triển của công việc đang hướng về mục tiêu. Thứ bảy, nên đánh giá công tác trong suốt tiến trình công việc để kịp thời giúp đỡ, khen ngợi và phòng tránh biến cố.

Lời bàn

Hiện nay, việc giao quyền đang được thực hiện không chỉ ở các doanh nghiệp mà công tác quản lý xã hội của chính quyền cũng thực hiện phân cấp giao quyền. Thế nhưng, nhiều nơi, nhiều ngành, sau khi thực hiện phân cấp vẫn không mang lại hiệu quả vì chưa thực hiện đúng bài học trên. Một nhà quản lý giỏi chỉ làm việc của mình, không làm việc của cấp dưới, khi giao quyền chính là thực hiện nguyên tắc này, win-win (cả hai cùng thắng) giữa nhân viên và công ty. 

VĂN MINH HOA

Tin cùng chuyên mục