Thời kỹ thuật số, công nghệ thay đổi nhanh chóng nên ngành nghề, công việc mới trong xã hội cũng phát triển phong phú, đa dạng. Làm thế nào để giúp học sinh phổ thông hiểu rõ về bức tranh nghề nghiệp tương lai và chọn hướng đi phù hợp?
Từ trải nghiệm thú vị…
Tại vòng chung kết cuộc thi “Chắp cánh ước mơ” năm học 2014 - 2015 dành cho học sinh các trường trung học phổ thông ở TPHCM, 10 thí sinh có tiểu phẩm xuất sắc đã diễn tả ước mơ nghề nghiệp của mình một cách đa dạng. Ngoài giấc mơ trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, họa sĩ, nhà báo… có em mong muốn trở thành nhà ngoại giao, nhà diễn giả tài năng.
Tiểu phẩm đoạt giải nhất và ấn tượng, gây xúc động khán phòng chính là mơ ước trở thành họa sĩ của thí sinh Đặng Thị Kim Thoa (Trường THPT Hàn Thuyên). Em đã gửi đi thông điệp sống phải có ước mơ và phải kiên trì đeo đuổi đam mê nghề nghiệp của mình. Cùng khẳng định thông điệp “Có đam mê là sẽ làm được”, nhiều thí sinh cũng bày tỏ chính kiến sẽ thuyết phục người thân, cha mẹ cùng đồng hành với sở trường, giấc mơ nghề nghiệp mà các em đã chọn lựa.
Tuy nhiên, khi nghe một số thí sinh trình bày, mô tả về ngành nghề mình sẽ chọn và trả lời những câu hỏi mà ban giám khảo đặt ra tại cuộc thi, dễ nhận thấy kiến thức còn non nớt, hiểu biết về công việc liên quan đến ngành nghề mà các em dự kiến chọn lựa còn nhiều lỗ hổng.
Cụ thể như tiểu phẩm về nghề ngoại giao, thí sinh dẫn dắt tình huống giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp khá đơn giản xảy ra giữa hàng xóm với nhau rồi nâng thành vấn đề liên quan đến ngoại giao. Khi được hỏi về quan điểm và các chính sách ngoại giao của nước ta đang đeo đuổi thì thí sinh “bí”, không biết cách trả lời. Vẫn biết đây là sân chơi trải nghiệm để học sinh gieo mầm giấc mơ và có cơ hội tìm hiểu thêm về nghề nghiệp tương lai, nhưng giá như các em được dẫn dắt, bồi đắp thì những hiểu biết của các em sẽ sâu hơn.
Nhận định về cuộc thi được tổ chức nhiều năm qua, ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT TPHCM nói: “Đây là sân chơi bổ ích giúp học sinh thể hiện ước mơ về nghề nghiệp tương lai, từ đó có ý thức học tập, vươn lên và chuẩn bị hành trang vào đời. Không chỉ phát huy tinh thần sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê, các em còn lên kế hoạch để thực hiện mục tiêu, giấc mơ nghề nghiệp của mình một cách bài bản”.
Tương tự, cuộc thi “Đầu bếp trẻ dành cho học sinh khối THPT” năm 2015 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức lần đầu tiên cũng tạo sân chơi hấp dẫn cho những thí sinh muốn tìm hiểu về nghề bếp núc và khám phá thế giới ẩm thực. Sau khi bốc thăm với nguyên liệu là thực phẩm động vật, hải sản, các thí sinh sẽ chọn thực vật, gia vị và tự thiết kế món ăn dành cho 2 người trong thời gian 2 giờ. Nhìn các đầu bếp trẻ say mê thể hiện ý tưởng, thả hồn vào những món ăn ngon, bổ dưỡng sẽ trổ tài mới thấy đam mê cháy bỏng của các thí sinh.
Giành ngôi vị quán quân của cuộc thi “đầu bếp trẻ”, học sinh Phan Lê Quỳnh Nhi (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM) bày tỏ niềm hạnh phúc được trải nghiệm, thử sức trong những gian bếp chuyên nghiệp. Theo các thí sinh, sân chơi này không chỉ giúp các em thể hiện đam mê, làm giàu thêm vốn sống, kỹ năng mềm mà còn định hướng nghề nghiệp tương lai sát hơn.
Hội thi “Đầu bếp trẻ năm 2015” giúp học sinh phổ thông ở TPHCM thể hiện đam mê và thử tài.
Đến định hướng thực hơn
Theo các chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, học sinh phổ thông cần được tạo cơ hội để hiểu kỹ về thông tin ngành nghề và tiếp cận, trải nghiệm với những công việc mà các em đã chọn. Thông thường ngành học tại trường sẽ quyết định nghề nghiệp sau này của người học. Tuy nhiên, trước tác động của công nghệ, kỹ thuật số, ngành nghề ngày nay đã thay đổi rất nhanh và yêu cầu về công việc cũng đa dạng, đòi hỏi kỹ năng, sự linh hoạt nhiều hơn.
Cụ thể, một người học chuyên ngành nào đó nhưng cũng có thể làm ở nhiều vị trí, công việc khác nhau nhờ biết khai thác khả năng tiềm ẩn, tố chất nhạy bén, năng động... Tuy vậy, phương châm “hiểu đúng mình, chọn đúng nghề và làm đúng đam mê” vẫn là kim chỉ nam cần thiết. Và để giúp học sinh hiểu đúng mình, chọn đúng nghề rất cần đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp ở trường học tư vấn và phát hiện thiên hướng, sở trường cá nhân. Nhờ nhịp cầu tư vấn này, học sinh, sinh viên sẽ không lạc hướng, chạy theo ngành học theo phong trào, thời thượng để rồi ra trường thất nghiệp dài dài.
Tuy nhiên, nhìn lại thực tế, việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông còn rất nhiều khiếm khuyết, nếu không muốn nói là làm cho có, hiệu quả thấp. Nhiều giáo viên kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông bộc bạch rằng bản thân họ cũng thiếu kiến thức, thông tin về ngành nghề mới trong xã hội thì làm sao định hướng cho học trò của mình. Đó là chưa kể, học sinh ít có cơ hội trải nghiệm thực tế nên không hình dung được ngành nghề, công việc sẽ làm như thế nào, cần tố chất gì.
Cái giá mà nhiều bạn trẻ phải trả chính là chọn nghề không xuất phát từ đam mê, sở trường và bị tác động bởi mong muốn của người thân hoặc chọn nghề theo cảm tính. Khi bị “ép duyên” như thế, họ không thể trụ lâu với nghề hoặc gắn bó miễn cưỡng nên hiệu quả, năng suất thấp.
Mùa tuyển sinh mới đang đến, có bao nhiêu học sinh phổ thông được tư vấn chọn đúng ngành nghề, đam mê? Trong khi cả nước còn hàng chục ngàn cử nhân thất nghiệp, mòn mỏi chờ việc làm thì cánh cửa vào đại học vẫn thênh thang - chiêu dụ nhiều thí sinh không đủ năng lực trở thành “thầy”. Trong khi thị trường lao động cần “thợ” lành nghề nhiều hơn thì các trường nghề đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa, hoạt động cầm chừng vì không có người học. Giải bài toán nan giải này như thế nào nếu công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp vẫn tù mù, thiếu sinh khí và bằng cấp vẫn lên ngôi?
KHÁNH BÌNH