Khi mắt sáng, lòng trong

Trong Nghị quyết Trung ương 4, nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được coi là một trong những nhóm giải pháp được xác định để tăng cường mặt trận tư tưởng văn hóa ngày càng vững chắc và để đủ sức đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đấu tranh phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, đấu tranh chống sự suy thoái về phẩm chất đạo đức của cán bộ đảng viên.
Khi mắt sáng, lòng trong

Trong Nghị quyết Trung ương 4, nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được coi là một trong những nhóm giải pháp được xác định để tăng cường mặt trận tư tưởng văn hóa ngày càng vững chắc và để đủ sức đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đấu tranh phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, đấu tranh chống sự suy thoái về phẩm chất đạo đức của cán bộ đảng viên.

Các điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác trước Tượng đài Bác Hồ. Ảnh: Việt Dũng

Các điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác trước Tượng đài Bác Hồ. Ảnh: Việt Dũng

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, việc phát huy vai trò của công tác tuyên giáo trong cuộc đấu tranh ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị và suy thoái về đạo đức lối sống là hết sức quan trọng. Cần tập trung tuyên truyền về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó vấn đề hết sức quan trọng và cốt lõi là phải nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Thực tiễn cho thấy, việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng là cuộc đấu tranh lâu dài, liên tục trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng và cần phải được kết hợp chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, tất cả các tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế. Song ở những nơi, những ngành, lĩnh vực có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm thì việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng phải được coi là vấn đề cấp thiết.

Tổ chức Đảng và chính quyền cần có những biện pháp tích cực, triệt để nhằm phát huy mặt tốt, khắc phục mặt chưa tốt, tiếp tục nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, kịp thời nhân rộng, nêu gương những điển hình hay, cách làm tốt. Tránh tình trạng vì cho rằng, bồi dưỡng đạo đức cách mạng là công việc lâu dài, là tính tự giác của mỗi đảng viên, mỗi con người, rồi dẫn đến tình trạng lơi lỏng, không giáo dục và kiểm tra chặt chẽ hàng ngày. Hoặc chỉ coi trọng từng mặt, từng thời gian rồi sau đó lại buông lỏng…

Đạo đức cách mạng có yêu cầu và nội dung cụ thể, chứ không phải là đạo đức chung chung. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực sự xứng đáng là cán bộ, đảng viên của Đảng, để nhân dân quý trọng, tin yêu, phải “kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”; phải “bồi dưỡng tư tưởng tập thể”, phải “mình vì mọi người”.

Tổ chức Đảng không những phải chăm lo bồi dưỡng về chính trị, tư tưởng, mà còn phải bằng mọi hoạt động của mình nâng cao văn hóa - đạo đức cho cán bộ, đảng viên để đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng “thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, thật sự tiêu biểu cho những giá trị văn hóa - đạo đức để có thể cảm hóa, thuyết phục được nhân dân tin Đảng, luôn đi theo Đảng.

Giáo dục, bồi dưỡng nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là để bản thân từng đảng viên phải nghiêm túc nhìn nhận đúng về bản thân mình để phát huy mặt mạnh, tự điều chỉnh, sửa chữa những mặt hạn chế, mặt yếu kém. Từ nhận thức đúng, mỗi người sẽ thấy rõ hơn bản thân mình để hành động đúng, để tự rèn luyện mình. Khi mắt sáng, lòng trong thì đảng viên luôn đặt lợi ích của Đảng lên trước hết, trên hết. Mà “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”.

Để thực hiện được điều đó đòi hỏi nỗ lực đóng góp rất lớn của những cán bộ tuyên giáo của Đảng. Bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng và thời đại bùng nổ thông tin trong thế giới phẳng, phương thức hoạt động của công tác tuyên giáo, tuyên truyền của Đảng bộ TPHCM cũng phải có những thay đổi, điều chỉnh, thích ứng cần thiết.

Chúng ta phải xác định rõ, đây là một giai đoạn vô cùng khó khăn, với rất nhiều thách thức đối với những người làm công tác tuyên giáo. Hơn bao giờ hết, những người làm công tác tuyên giáo phải bám sát mục tiêu lý tưởng cách mạng, đường lối chính sách của Đảng và sự lãnh đạo của cấp ủy; gắn liền với công tác tổ chức, với phong trào hành động của quần chúng, tư tưởng gắn với hành động, nói đi đôi với làm; phân tích đúng hoàn cảnh, đánh giá đúng đối tượng, dự báo tình hình chính xác và chủ động trong công tác tư tưởng. Làm được điều đó, những người cán bộ tuyên giáo chúng ta thật sự là những người truyền lửa, truyền tình cảm cách mạng, truyền niềm tin và lý tưởng cộng sản cho quần chúng nhân dân. Muốn truyền niềm tin ấy, bên cạnh tri thức, trí tuệ, người cán bộ tuyên giáo cần phải có bản lĩnh chính trị kiên trung, vững vàng, có những phẩm chất văn hóa tiến bộ và tính nhân văn sâu sắc. Vì nói đến tuyên giáo là nói đến niềm tin, là nói đi đôi với làm, là tâm phục khẩu phục.

Nhưng nhân dân không chấp nhận công tác chính trị, tư tưởng sáo rỗng, nông cạn, công thức, giáo điều. Nhân dân đòi hỏi công tác chính trị, tư tưởng phải đảm bảo tính trung thực và có sức thuyết phục cao. Việc bồi dưỡng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mà cốt lõi là đường lối, chính sách của Đảng trong giai đoạn hiện nay, phải được gắn với việc giải quyết những vướng mắc trong tâm tư, nhận thức của các tầng lớp nhân dân và chỉ cho họ hiểu, tập hợp, hướng dẫn họ tiến hành những công việc ích nước, lợi nhà.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, ngành tuyên giáo TPHCM đã, đang và tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên giáo để mỗi người đều tốt hơn, nhạy bén hơn, có thể chủ động hơn trong công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thân Thị Thư
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

Tin cùng chuyên mục