Mới đây, tại buổi làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM và Sở GD-ĐT TP về tình hình tổ chức học 2 buổi/ngày ở hai bậc tiểu học và THCS, đại diện phòng Kế hoạch - Tài chính của Sở GD-ĐT đã đưa ra một dự báo khiến những người có mặt tại hội trường hôm đó giật mình.
Từ nay đến năm 2020, TPHCM cần xây mới 15.000 phòng học. Ảnh: Mai Hải
Theo đó, để giải quyết bài toán áp lực về sĩ số và nhu cầu học 2 buổi/ngày của người dân, từ nay đến năm 2020, TPHCM cần xây mới 15.000 phòng học, đáp ứng chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 học sinh theo Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Nếu chia theo tỷ lệ bình quân, từ nay đến năm 2020, mỗi năm TP phải xây mới gần 4.000 phòng học, một đòi hỏi không tưởng khi thực tế nhiều năm qua, dù nỗ lực bằng nhiều cách nhưng trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 1.500 phòng.
Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, đặt câu hỏi: “Chúng ta đang xây trường theo kiểu đối phó, thiếu ở đâu thì tìm cách bổ sung chỗ đó. Nhưng về lâu dài, phải có giải pháp làm sao để trường, lớp đón đầu nhu cầu học tập của người dân, chứ không phải chạy theo sau đáp ứng như thế?”. Một đại biểu khác bày tỏ: “Đa phần những khu vực cao điểm thiếu hụt trường, lớp là những nơi không còn nhiều quỹ đất sạch. Vì sao những dự án xây trường hiện tại chỉ tập trung ở những nơi có đất sạch, trong khi nhiều nơi thiếu trường, thiếu đất lại không có sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng?”. Hai câu hỏi đều phản ảnh chung một thực tế, đó là công tác đầu tư xây dựng trường, lớp của TP hiện nay còn bất cập. Khi được khảo sát, địa phương nào cũng than trường, lớp xây không theo kịp đà tăng dân số, nhưng đây đó vẫn tồn tại tình trạng những ngôi trường rộng lớn, khang trang mọc lên không có người học. Hay ngay cạnh một ngôi trường nhỏ bé, xập xệ, nơi mỗi ngày có hàng ngàn học sinh đang theo học là những trung tâm thương mại, tòa cao ốc nhiều tầng cho thuê bị bỏ trống. Có những nơi dự án xây trường đã có cả chục năm qua nhưng đến nay vẫn cho tư nhân thuê lại với mục đích kinh doanh, buôn bán. Thậm chí có dự án đã giải tỏa gần hết dân cư, chỉ còn 1, 2 hộ dân chưa đồng ý di dời do không thương lượng được mức đền bù giải tỏa nhưng chính quyền không mạnh tay xử lý. Kết quả đất đai bỏ trống, trong khi gần đó học sinh phải chen chúc trong những khoảng sân chật chội, học cùng một trường nhưng cơ sở 1 cách cơ sở 2 gần 3km.
Rõ ràng cái thiếu lớn nhất của TPHCM không phải về đất đai hay kinh phí mà chính là thiếu một bức tranh quy hoạch tổng thể xây dựng trường, lớp. Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, UBND TP đã ban hành Quyết định số 02/2003 về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học ngành giáo dục đào tạo đến năm 2020. Đến nay, nhiều địa phương cho biết thực tế đã không còn phù hợp, cần có hướng dẫn sửa đổi, bổ sung từ phía cơ quan chủ quản. Nhưng, biết đến bao giờ?
MINH QUÂN