Khi hay thông tin về lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, nhiều bạn đọc gọi tới đường dây nóng Báo SGGP tỏ ý lo lắng và thắc mắc: Khi đó các ti vi hiện hành có còn sử dụng được không? PV Báo SGGP đã gặp TS Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, để tìm câu trả lời về việc này.
* Phóng viên: Thưa ông, hiện nay khá nhiều người sử dụng vẫn chưa hiểu về việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Ông có thể giải thích về việc này?
* Tiến sĩ LÊ QUỐC CƯỜNG: Hiện nay, hệ thống truyền hình nước ta đang sử dụng hai công nghệ, gồm công nghệ truyền hình tương tự (Analog TV) và công nghệ truyền hình kỹ thuật số (Digital TV). Trong đó, Analog TV là hệ thống mà trạm thu phát đều gồm các thiết bị, tín hiệu thu phát tương tự, nên dễ triển khai, chi phí khá thấp; dùng anten trời để thu các chương trình từ các đài truyền hình địa phương. Hạn chế của công nghệ Analog TV là chất lượng hình ảnh, âm thanh không cao, dễ nhiễu sóng khi thời tiết thay đổi, số kênh hạn chế.
Ngược lại, công nghệ Digital TV là một hệ thống truyền hình phát nhận tín hiệu hình ảnh, âm thanh thông qua tín hiệu kỹ thuật số; khác hẳn so với công nghệ Analog TV mà nhiều đài truyền hình đang sử dụng. Tất nhiên, công nghệ Digital TV ưu việt hơn hẳn so với công nghệ Analog TV. Số lượng kênh nhiều hơn, chất lượng hình ảnh ổn định, sống động hơn. Digital TV sử dụng dữ liệu điều biến nén bằng kỹ thuật số, giải mã bằng bộ giải mã dành cho TV hoặc sử dụng thiết bị nhận tiêu chuẩn với đầu thu kỹ thuật số (set top box).
Lộ trình số hóa được thực hiện theo Quyết định 2451/QĐ-TTg, ngày 27-12-2011, về việc phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Theo đó, đến hết ngày 31-12-2015, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) sẽ kết thúc phát sóng kênh chương trình analog, chuyển sang truyền hình mặt đất.
* Như vậy, việc này không ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân sử dụng dịch vụ truyền hình cáp trên địa bàn TPHCM?
* Đúng vậy, thống kê sơ bộ của chúng tôi cho thấy, số lượng người dân đang sinh sống tại các huyện vùng xa của TPHCM đang sử dụng TV công nghệ analog không nhiều. Do vậy, lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình của Chính phủ không tác động nhiều đến người dân TPHCM. Đối với người dân đã và đang sử dụng gói dịch vụ trả tiền (dịch vụ truyền hình cáp trả phí của SCTV, HTVC…, dịch vụ truyền hình vệ tinh của K+, dịch vụ truyền hình số mặt đất của VTV, VTC…, hoặc dịch vụ truyền hình Internet IPTV của VNPT, FPT, Viettel…) thì không phải mua bộ giải mã tín hiệu DVB-T2 (chuẩn phát sóng số mặt đất mới theo quy định).
Yêu cầu dùng bộ giải mã chỉ áp dụng với những hộ dân đang dùng truyền hình công nghệ Analog TV, nhằm tạo điều kiện để họ được xem khoảng 20 kênh truyền hình miễn phí, thay vì chỉ được sử dụng 3-4 kênh như hiện nay.
* Trong lộ trình số hóa này, những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn sinh sống tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh được hỗ trợ gì hay không?
* Theo dự thảo chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích của Bộ TT-TT, đến năm 2020 kinh phí hỗ trợ lộ trình số hóa truyền hình mặt đất, bao gồm hỗ trợ cho các đài truyền hình, điều tra khảo sát, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong cả nước… lên tới 2.553 tỷ đồng. Về cơ bản, số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn hiện đang sử dụng TV công nghệ analog không nhiều, nhưng TPHCM vẫn lên kế hoạch hỗ trợ kinh phí hoặc tặng bộ giải mã cho bà con nghèo. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã và đang sản xuất các bộ giải mã (set top box) mặt đất chuẩn DVB-T2 bán giá phù hợp túi tiền người tiêu dùng. Người dân có thể yên tâm về chất lượng, giá cả của các sản phẩm trong nước sản xuất.
* Trên thị trường hiện bán khá nhiều bộ giải mã mặt đất chuẩn DVB-T2 với giá từ 500.000 - 700.000 đồng/bộ tùy thương hiệu. Căn cứ vào tiêu chí nào để nhận biết sản phẩm giải mã đúng chuẩn?
* Quyết định 2451/QĐ-TTg quy định áp dụng thống nhất tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh và âm thanh. Chi tiết: đối với phần phát, đến hết ngày 31-12-2015, áp dụng tiêu chuẩn MPEG-2 hoặc MPEG-4; đối với phần thu, từ ngày 1-1-2013, các thiết bị thu truyền hình số được sản xuất và nhập khẩu phải tuân theo tiêu chuẩn MPEG-4 có hỗ trợ thu MPEG-2.
Vừa qua, Bộ TT-TT chính thức công bố, từ ngày 1-4-2014, các dòng TV 32 inch trở lên khi bán ra thị trường phải có tem xác nhận tích hợp bộ giải mã chuẩn công nghệ DVB-T2 và logo biểu trưng đề án số hóa truyền hình. Đối với các TV chưa tích hợp bộ giải mã và khi có nhu cầu xem truyền hình số mặt đất, người dùng có thể tham khảo thông tin từ nhà sản xuất, các đơn vị cung cấp bộ giải mã uy tín như VTC, VTV… để chọn mua sản phẩm đảm bảo chất lượng, phù hợp quy định.
THI HỒNG