Ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, có không ít “người của công chúng” - nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn, MC, người mẫu… làm cô giáo, thầy giáo góp phần ươm mầm, đào tạo nhiều tài năng trẻ cho “vườn hoa nghệ thuật” hôm nay và tương lai.
Từ thầy, cô điện ảnh, sân khấu...
Có 55 năm trong nghề diễn và hơn 30 năm làm thầy giáo, NSND Đoàn Dũng cho rằng, người nghệ sĩ đứng trên bục giảng cũng giống như diễn viên trên sân khấu với cùng mục đích truyền đạt tâm hồn, chân thiện mỹ và tính nhân văn cho xã hội. NSND Đoàn Dũng đã có nhiều dịp đóng phim cùng các thế hệ học trò của mình.
Theo ông, đã vào phim, ngay cả khi góp ý cho học trò – diễn viên về cách diễn xuất, phân tích tâm lý nhân vật hay bất cứ ý kiến đóng góp nào cũng phải hết sức tế nhị, chứ không thể áp đặt ý muốn người thầy khi ra phim trường. Hỏi ông về những người học trò ấy, ông cười sảng khoái: “Trò thành đạt - đấy là niềm an ủi, khích lệ tinh thần và là niềm hạnh phúc”.
Với NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc, người có gần 30 năm giảng dạy, đào tạo ra nhiều thế hệ diễn viên, đã chia sẻ: “Nghề giảng dạy này rất đặc biệt, không phải chỉ có dạy cho các học trò những kiến thức chuyên môn là đủ mà đòi hỏi mỗi người phải tự mình rèn nhân cách, ngày càng hoàn thiện hơn để các học trò noi theo…”.
Còn đạo diễn Hoàng Duẩn quan niệm, từ khi tham gia giảng dạy, anh không ngừng đi đến nhiều vùng sâu, vùng xa của TPHCM và các tỉnh thành. Ở những nơi này, còn rất thiếu thốn về văn hóa tinh thần, luôn cần những nghệ sĩ biết nghề gầy dựng phong trào. Học trò có khi là học sinh, có em buôn bán giày dép, vé số… Nhưng sau những ngày tháng học, các học viên này phát huy được năng khiếu, đã mang lại niềm vui cho nhiều khán giả nhỏ. Từ đó, tình cảm thầy trò lại càng gắn bó hơn nữa.
... đến nhà giáo về âm nhạc
Nghề giảng dạy nghệ thuật luôn đòi hỏi người thầy phải bỏ nhiều công sức, tâm huyết, thời gian để gần gũi học trò. Khi lên lớp, có lớp chỉ có 1 thầy và 1, 2 trò nên tình cảm thầy trò gắn bó với nhau nhiều hơn, dễ dàng trải lòng, chia sẻ nhiều tâm tư, nguyện vọng, ước mơ và xem nhau như người thân. Riêng ngành nhạc, quan hệ thầy trò lại càng gắn bó, thường khoảng thời gian gần gũi ấy kéo dài chừng 10 năm.
Cũng trong thời gian này, học trò và người thầy có khi còn được đứng chung trên một sân khấu biểu diễn, giống như những người bạn diễn. Thạc sĩ – nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, giảng viên Khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TPHCM chia sẻ: “Tình cảm của người thầy trong giây phút ấy được khoác thêm tình cảm người thân. Vào thời điểm tôi giảng dạy cho khóa học đầu tiên ấy, trong lớp có một học trò rất có năng khiếu, nhưng vì hoàn cảnh gia đình không cho phép em đeo đuổi đến cùng nghệ thuật âm nhạc dân tộc, vậy là em nghỉ học. Thế nhưng, dẫu bao nhiêu năm trôi qua, cứ đến ngày 20-11, vào dịp lễ, hay thấy tôi biểu diễn trên tivi, em thường gọi điện: Chúc mừng cô!”.
Nhắc đến GS Trần Văn Khê, nghệ sĩ Hải Phượng luôn chất chứa nhiều xúc cảm. Theo chị, GS còn như người dẫn đường, như một người cha đáng kính.
Nỗi niềm thầy cô
Với các thầy cô giáo, mỗi khi đứng lớp giảng dạy, ai ai cũng mong muốn mai này học trò của mình sẽ làm tốt nghề nhưng sự thành bại của các học trò còn tùy thuộc vào bản lĩnh của từng người. Thời gian qua, có một số nghệ sĩ trẻ chạy theo dòng xoáy của thị trường, tự mình dễ dãi với chính mình dẫn đến không ít vai diễn, ca khúc… được thể hiện một cách thiếu chăm chút, khiến không ít thầy cô chạnh lòng.
Trong đời sống sân khấu hôm nay, đã có những trường hợp học trò sớm mắc bệnh “ngôi sao”, mỗi khi tập tuồng luôn đi trễ về sớm, tỏ ra mình là một nghệ sĩ luôn bộn bề trăm công ngàn việc. Có người còn bảo: “Thầy tranh thủ tập cho em nhanh nhanh để em còn kịp giờ… chạy đi đóng phim nữa!?”. Một đạo diễn sân khấu từng góp phần tạo dựng tên tuổi của không ít nghệ sĩ sân khấu đã chia sẻ: “Diễn viên trẻ tập tuồng cứ bị phân tâm đi show đóng phim này, phim nọ nên anh em đạo diễn nếu có muốn chỉ dẫn, sáng tạo mới cho vai diễn thêm hay, thêm hấp dẫn cũng khó lòng làm được”.
Có lẽ, trong khuôn khổ của một bài báo không thể nào có thể nói lên hết được những trăn trở, nỗi niềm cũng như sự cống hiến của những thầy cô – những “người của công chúng” cho đời sống văn hóa nghệ thuật của TPHCM hôm qua, hôm nay và mai sau. Bởi hàng ngày, hàng giờ, ở giảng đường này hay ở lớp học nhỏ bé khác vẫn luôn hiển hiện hình ảnh của những người thầy thầm lặng ươm mầm cho những tài năng nghệ thuật.
Chính vì vậy mà ơn thầy luôn được xã hội và các thế hệ nghệ sĩ nhớ đến – không riêng gì ngày 20-11.
Đỗ – Lê – Hoa