Hành vi xâm phạm quyền tác giả hiện đang diễn ra rất phổ biến, đã xảy ra nhiều vụ khiếu kiện, thế nhưng có nhiều người là chủ sở hữu quyền tác giả vẫn không biết có thể làm gì để xử lý hành vi này.
Hiện nay, hành vi xâm phạm quyền tác giả phổ biến nhất là tự ý đăng tải trực tiếp các bộ phim truyện, ca nhạc, hình ảnh, bài viết là tác phẩm của người khác lên website để cho những người sử dụng mạng truy cập xem trực tiếp; hoặc lưu trữ lại bằng các dịch vụ, công cụ lưu trữ trên mạng, sau đó chia sẻ lại cho người sử dụng mạng để họ có thể tải về máy tính cá nhân. Căn cứ Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, các hành vi nêu trên đã xâm phạm quyền tác giả.
Theo Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả có thể trực tiếp sử dụng các biện pháp sau để tự bảo vệ quyền tác giả của mình khi phát hiện hành vi xâm phạm: áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm; khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng các quy định trên còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những vướng mắc điển hình là việc chủ sở hữu các website có chứa, đăng tải nội dung xâm phạm quyền tác giả cho rằng việc đăng tải, lưu trữ các tác phẩm lên website là do chính người sử dụng mạng thực hiện (theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện hành vi xâm phạm). Để khắc phục lỗ hổng pháp lý trên, Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư liên tịch 07/2012 quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Thông tư này quy định: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số (bao gồm cả dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ trang thông tin điện tử), doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin số có nghĩa vụ chịu trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bồi thường khi “là nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa hoặc cung cấp nội dung thông tin số qua mạng viễn thông và internet mà không được phép của chủ thể quyền”, hoặc “hoạt động như nguồn phân phối thứ cấp các nội dung thông tin số do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan mà có”. Với quy định này, giờ đây các website có chứa các nội dung xâm phạm quyền không thể thoái thác trách nhiệm cho người sử dụng mạng mà chính các website này phải có nghĩa vụ và trách nhiệm hạn chế hành vi xâm phạm trong phạm vi hoạt động và quản lý của mình.
Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC
(Văn phòng luật sư PHANS)