Khiếu nại việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) 2015, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án có quyền yêu cầu tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT).

Việc áp dụng BPKCTT được quy định tại Điều 114 Bộ luật TTDS 2015 để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án.

Để ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT từ phía người có quyền yêu cầu, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người bị áp dụng BPKCTT, luật cũng đã quy định về các trường hợp phải bảo đảm tài sản khi yêu cầu áp dụng BPKCTT. Theo đó, trong một số trường hợp cụ thể, người yêu cầu áp dụng BPKCTT phải nộp cho tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác, hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do tòa án ấn định, nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng BPKCTT không đúng.

Trong thực tế, đã có không ít vụ việc áp dụng BPKCTT không đúng, đã gây nên những thiệt hại nghiêm trọng cho người bị áp dụng BPKCTT và người thứ ba. Do vậy, người bị áp dụng BPKCTT có thể khiếu nại để hạn chế, ngăn ngừa thiệt hại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Thời hạn khiếu nại là 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT hoặc trả lời của thẩm phán về việc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục