Khó quản trào lưu “thú tội” trên facebook?

Sự kiện PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đóng cửa trang Confessions (thú tội) trên facebook của trường này cách đây gần 2 tháng vì những nội dung nhảm nhí, thông tin thiếu kiểm soát chẳng những không thể khiến trào lưu thành lập Confessions ở các trường THPT khác lắng xuống mà còn tạo cơ hội cho hoạt động này diễn ra sôi nổi hơn. Đây là trào lưu “nhật ký thú tội” đang được cộng đồng mạng hết sức ưa chuộng, đặc biệt là học sinh tuổi teen.

Sự kiện PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đóng cửa trang Confessions (thú tội) trên facebook của trường này cách đây gần 2 tháng vì những nội dung nhảm nhí, thông tin thiếu kiểm soát chẳng những không thể khiến trào lưu thành lập Confessions ở các trường THPT khác lắng xuống mà còn tạo cơ hội cho hoạt động này diễn ra sôi nổi hơn. Đây là trào lưu “nhật ký thú tội” đang được cộng đồng mạng hết sức ưa chuộng, đặc biệt là học sinh tuổi teen.

Thông qua trang này, các thành viên ẩn danh có thể nói thẳng, nói thật cảm xúc, bày tỏ những điều chưa hài lòng về các thầy, cô giáo hoặc bạn học cùng trường. Đồng thời, đây cũng là kênh các em chia sẻ về những thú vui lén lút sau giờ tan học, những địa điểm ăn uống, vui chơi “chỉ hai người mới biết” khiến phụ huynh thật sự lo lắng. Điều đáng nói là hiện nay các trường chưa có bất kỳ chế tài nào đối với bộ phận quản trị mạng của các trang “thú tội”, thậm chí không thể xác định được ai là quản trị mạng của các trang này, khiến thông tin ngày càng khó kiểm soát, tạo ra những ảnh hưởng không tốt đến học sinh.

Nói như chia sẻ của hiệu trưởng một trường THPT ở quận Tân Phú TPHCM, từ khi có trào lưu thành lập trang “thú tội”, học sinh dường như không còn quan tâm đến diễn đàn trao đổi trên website chính thức của nhà trường, trong khi đây mới là trang trao đổi thông tin chính thống, chịu sự quản lý và định hướng của nhà trường. Khi có thắc mắc, băn khoăn gì chia sẻ trên diễn đàn, các em sẽ được thầy cô giáo giải đáp một cách tận tình trên tinh thần hợp tác, chia sẻ. Nhưng với trang Confessions, hầu hết thông tin đều mang tính một chiều, thiếu tính khách quan nhưng lại nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các thành viên khác do tâm lý đám đông, không bị bất kỳ cơ quan nào kiểm soát. Sự việc ban đầu có thể rất nhỏ nhưng qua lời hưởng ứng, bình phẩm mang tính chủ quan của nhiều người sẽ bị thay đổi về bản chất, trở thành vấn đề lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của cả tập thể. Điều này một lần nữa chứng tỏ quy luật cái gì càng cấm thì học sinh càng cố thực hiện.

Còn nhớ lời của GS Ngô Văn Lệ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TPHCM trong một buổi tiếp xúc với sinh viên rằng, sự thành công của giáo dục không phải dựa vào việc cưỡng bức người này, người kia làm theo một khuôn khổ có sẵn mà là định hướng họ theo những mục tiêu nhất định. Cách dạy truyền thống thầy giảng, trò nghe đã trở nên lỗi thời trong cuộc sống hiện đại, dân chủ. Thay vào đó, bản thân mỗi giáo viên cần xác định tư tưởng làm bạn với học sinh, thay cho việc cấm đoán. Cần chỉ ra cho các em thấy những điều nên và không nên trước khi quyết định làm một việc gì đó, đồng thời giáo dục về tinh thần trách nhiệm, dám làm dám chịu đối với tập thể. Chỉ khi làm được điều đó, nhu cầu “thú tội” mới không còn đất tồn tại.

Hiện nay, hầu hết các trường THPT trên địa bàn TPHCM đều tồn tại từ 1-2 trang “thú tội”. Có những trang được quản lý tốt, nội dung mang tính xây dựng cao, nhưng nhiều trang chỉ mang tính “múa mép”, ngôn ngữ phần lớn là “hàng chợ”. Trước thực trạng này, thay cho việc cấm đoán hoặc làm ngơ ngoảnh mặt, lãnh đạo các trường cần bình tĩnh ngồi lại suy xét, tìm hiểu lý do vì sao lại có những luồng ý kiến bất bình đó để từ đó tìm ra giải pháp xử lý thỏa đáng, tránh tạo tâm lý bị cưỡng ép cho học sinh.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục