Báo cáo với đoàn giám sát HĐND TPHCM ngày 23-5, lãnh đạo Sở Tài chính TP cho biết, đối với các địa chỉ nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn TP đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính phê duyệt phương án bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, số tiền thu được như sau: trên tài khoản tạm giữ của doanh nghiệp Trung ương tại Kho bạc nhà nước TP là 4.623 tỷ đồng; UBND TP đã ban hành quyết định phê duyệt giá và Sở Tài chính đã có thông báo hướng dẫn nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan, đơn vị là 16.209 tỷ đồng.
Sợ bị thu hồi vì mất hết
Liên quan đến việc thu hồi đất, tổng cộng có 320 địa chỉ nhà đất thì mới thu hồi được 279 địa chỉ, trong đó khối Trung ương 110 địa chỉ, khối TP 169 địa chỉ. Hiện nay, TP tiếp tục triển khai thu hồi 41 địa chỉ nhà đất trong đó thuộc khối Trung ương quản lý là 13 địa chỉ, khối TP quản lý là 28 địa chỉ; nguyên nhân thu hồi chậm là do các đơn vị sử dụng không đúng mục đích, không đúng công năng như cho thuê một phần hoặc toàn bộ nhà đất, bị chiếm dụng một phần diện tích, đang có khiếu nại…
Ông Ngô Quang Vinh, Trưởng phòng Công sản, Sở Tài chính nhận xét, nhà đất do Trung ương quản lý, việc thu hồi khó khăn. Theo quy định, đất do đơn vị Trung ương sử dụng do Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính chủ trì, khi kiểm tra rà soát TP phải phối hợp. Do đó, đối với những kiến nghị của quận, huyện phát hiện sử dụng không đúng mục đích hoặc sai công năng khu đất do Trung ương quản lý, khi phản ánh tới UBNDTP, hoặc các sở ngành chức năng thì cũng phải kiến nghị lên Cục Quản lý công sản, khi cục tổ chức kiểm tra thì mới phối hợp, hoặc ra quyết định thu hồi cũng xuất phát từ cơ quan này.
“Các đơn vị trung ương sợ thu hồi, vì thu hồi là mất hết, bởi vì nếu được bán đấu giá sẽ được cơ chế chia lại 7/3 hoặc quy định mới đây sau khi bán thì TP và đơn vị sử dụng sẽ được chia đôi. Đó chính là nguyên nhân thu hồi đất do các đơn vị Trung ương quản lý khá khó khăn”, ông Ngô Quang Vinh nói.
Chất vấn tại cuộc họp, ông Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, nêu thực trạng, qua quá trình đi khảo sát thực tế tại các quận, huyện cho thấy kê khai đất công còn sót, nhiều nơi muốn giữ lại mặt bằng làm quỹ đất cho đơn vị nên không kê khai. Rất nhiều mặt bằng bị bỏ hoang, trong đó có những mặt bằng để trống từ những năm 1988 đến nay. Nhiều đơn vị thuê rồi đem cho thuê lại sai công năng, sai mục đích xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, không phép trong các khu đất đó. Các địa chỉ nhà đất mà Trung ương quản lý bị các quận, huyện kêu rất nhiều vì sử dụng sai mục đích, địa phương yêu cầu thu hồi làm công trình công ích như bệnh viện, trường học, công viên... nhưng không thu hồi được.
Đáng chú ý, liên quan đến các địa chỉ nhà đất do Trung ương quản lý, thời gian qua có nhiều mặt bằng mặt tiền đường Đồng Khởi, Hàm Nghi… bán chỉ định với giá quá rẻ, gây thất thoát cho ngân sách!
Bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TP, cho rằng, 13 mặt bằng do Trung ương quản lý có diện tích rất lớn, nhưng sử dụng không hiệu quả nên làm sao phải thu hồi, xử lý bán đấu giá để lấy tiền đầu tư.
Bà Ánh yêu cầu Sở Tài chính đề xuất cơ chế tăng cường thống nhất quản lý một đầu mối, bởi đất công nhà xưởng cho thuê, Sở Xây dựng chỉ quản lý về xây dựng còn giá thả nổi cho quận, huyện, gây lãng phí. Cơ quan này phải thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát cũng như hậu kiểm, nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng hiệu quả tài sản nhà nước.
Báo cáo Thanh tra Chính phủ về giá cho thuê nhà
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và Công sở, Sở Xây dựng cho biết, liên quan đến giá cho thuê nhà để sản xuất kinh doanh, nhà văn phòng làm việc, Sở Xây dựng có gửi văn bản góp ý cho việc giải trình của đoàn Thanh tra Chính phủ.