Khó thuê người giúp việc nhà

Nguồn cung khan hiếm
Khó thuê người giúp việc nhà

Dù bức tranh kinh tế ảm đạm, nhưng nghề giúp việc nhà vẫn đang có nhu cầu rất cao, vì thiết thực gỡ khó cho những người bận rộn thiếu thời gian quán xuyến, chăm sóc gia đình. Nhiều người lao động không có vốn, chuyên môn, vẫn có thể làm nghề giúp việc nhà. Tại TPHCM hiện nay, nhiều hộ rất cần tìm người giúp việc nhà nhưng rất khó tìm được.

Một số bạn trẻ tìm việc tại ngày hội giới thiệu việc làm trên địa bàn TPHCM.

Một số bạn trẻ tìm việc tại ngày hội giới thiệu việc làm trên địa bàn TPHCM.

Nguồn cung khan hiếm

Hơn 3 tháng trôi qua kể từ khi đăng tin tuyển người giúp việc, chị Lâm Ngọc Ánh Vy (ở đường Phan Văn Hớn, quận 12) đã mừng hụt tới 5 lần. Chị Vy than: “Công việc chỉ đơn giản dọn dẹp nhà, nấu ăn, trò chuyện với mẹ tôi (đã 80 tuổi) cho bà đỡ buồn, nhưng không người nào làm được. Số phí và tiền công trả cho trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) và trả cho người giúp việc đã tốn tổng cộng 4 triệu đồng, nhưng vẫn không được như ý muốn”. Chị Vy thường xuyên bươn chải buôn bán, công việc bận rộn cả ngày, nên chị rất cần có người lo việc nhà. Vốn kỹ tính nên khi thấy người giúp việc làm ẩu, vô trách nhiệm là chị không thể tuyển dụng. Chị Huỳnh Thúy Ân (ở đường Lê Văn Việt, quận 9) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhà ít người, sau khi sinh con gái được 4 tháng, chị Ân tìm thuê người giúp việc với nhiệm vụ tắm gội và dỗ bé ngủ; tiền công 4 triệu đồng/tháng, bao ăn ở. Chị Ân kể: “Ngoài trông giữ cháu bé, chị giúp việc không chịu làm bất cứ việc lặt vặt nào khác. Thậm chí, quần áo dơ của bé, chị ta cũng không chịu cho vào máy giặt mà vứt bừa trong nhà tắm. Toàn bộ thời gian rảnh, chị ta tập trung xem ti vi hoặc gọi điện thoại cho bạn bè tán gẫu. Tôi có động viên, nhắc nhở, nhưng không thay đổi. Thậm chí, chị ta còn dọa nếu đòi phải làm một số việc vặt, thì em bé có chuyện gì chị ta không chịu trách nhiệm. Bức xúc quá, tôi đành phải cho chị ta nghỉ sau 3 tháng giúp việc”.

Ông Mai Quý An, Giám đốc một TTGTVL tại quận 10, thừa nhận: Hiện nay, các TTGTVL đều nhận được rất nhiều yêu cầu tuyển dụng lao động giúp việc nhà, nhưng nguồn cung rất khan hiếm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khan hiếm người làm nghề này. Chẳng hạn, do tâm lý người dân cho rằng giúp việc nhà chỉ là nghề bất đắc dĩ; do vậy người giúp việc nhà sẵn sàng nhảy việc, hoặc bỏ ngang nếu có công việc khác tốt hơn. Chính vì thái độ và suy nghĩ như vậy của người lao động, nên nhiều nhà tuyển dụng phải khó xử khi người giúp việc nhà tự ý bỏ dở hợp đồng nửa chừng mà không chịu đền tiền.

Chưa đào tạo bài bản

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, cho hay: “Tới thời điểm này, nhìn chung việc đào tạo, giới thiệu việc làm chưa đáp ứng cả về chất lượng lẫn số lượng. Đa phần việc giới thiệu lao động giúp việc nhà thực hiện thông qua trung gian, các nhóm nhỏ tự phát, nên rất khó kiểm soát, dễ gây thiệt hại cho người lao động lẫn người sử dụng lao động. Theo thống kê của trung tâm chúng tôi, nhu cầu lao động giúp việc nhà thường xuyên tại TPHCM lên đến khoảng 10.000 người/năm. Do số lao động muốn theo nghề giúp việc nhà không nhiều, nên nhu cầu tuyển người giúp việc nhà theo giờ sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Toàn TPHCM có khoảng hơn 10 trung tâm, trường học đào tạo nghề giúp việc nhà. Mức lương của người giúp việc nhà thường xuyên, bao ăn ở khoảng 3 triệu - 4 triệu đồng/tháng, 30.000 - 40.000 đồng/giờ; giúp việc nhà cho người nước ngoài khoảng 7 triệu - 8 triệu đồng/tháng, giúp việc theo giờ khoảng 60.000 - 70.000 đồng/giờ…

Bà Huỳnh Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa khách sạn Trường Trung cấp nghề Du lịch và khách sạn Khôi Việt, nhận định: “Do đáp ứng nhu cầu cuộc sống đầy bận rộn của người dân thành thị, nhu cầu tuyển người giúp việc nhà ngày càng tăng. Ngày nay nghề giúp việc nhà dần đòi hỏi nhiều kỹ năng: tổ chức, trang trí nhà cửa… cho chủ nhân; biết sử dụng trang thiết bị công nghệ hiện đại. Thực sự, đây là một ngành nghề đòi hỏi chuyên môn ngày càng cao”.

Được biết, để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, có rất nhiều công ty, doanh nghiệp tại TPHCM đã kết hợp với các trường dạy nghề đào tạo, huấn luyện ngắn hạn cho người muốn làm nghề tạp vụ. Tuy vậy, số nhân công lao động (tạp vụ bệnh viện, khách sạn…) sau khi qua đào tạo, phần lớn cung cấp cho các bệnh viện, trường học, khách sạn. Số còn lại đến với nghề giúp việc gia đình thường chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Xã hội đang tồn tại nghịch lý thừa thầy thiếu thợ. Bằng chứng, có khá nhiều học sinh, sinh viên ra trường nhưng thất nghiệp. Trong khi đó, những công việc thực sự đang rất thiếu người lao động trong xã hội, với mức lương đầy hứa hẹn như nghề giúp việc nhà lại chưa được xã hội nhìn nhận, coi trọng. Nhiều bạn đọc Báo SGGP gợi ý rằng tại sao các trường không mở thêm những khóa nghiệp vụ giúp việc nhà ngắn hạn để những lao động chưa có việc làm có cơ hội trau dồi, tiếp cận với một công việc mới. Ngoài ra, điều rất cần là việc mở các trung tâm đào tạo nghề giúp việc chuyên nghiệp, bài bản để những người đã, đang và sẽ làm công việc này có cơ hội làm việc tốt hơn, thu nhập ổn định hơn.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục