Khổ vì hộ khẩu

Luật Cư trú có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007, với những quy định được cho là thông thoáng hơn, giải quyết được nhiều bức xúc của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình gần 6 năm thực hiện, đến nay Luật Cư trú cũng bộc lộ không ít bất cập.
Khổ vì hộ khẩu

Luật Cư trú có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007, với những quy định được cho là thông thoáng hơn, giải quyết được nhiều bức xúc của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình gần 6 năm thực hiện, đến nay Luật Cư trú cũng bộc lộ không ít bất cập.

  • Thoáng quá: Quản lý mệt

Ưu điểm của Luật Cư trú là đã đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng. Tuy nhiên, cũng chính vì nhiều thủ tục được xóa bỏ, quy định quá thoáng nên công tác quản lý cư trú gặp khó khăn. Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM mới đây, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, dẫn chứng: Luật Cư trú không quy định xóa tên những trường hợp đã được đăng ký thường trú, sau đó chuyển đi nơi khác, đi nước ngoài hoặc đi đâu không rõ lý do nên rất khó quản lý.

Bà Trịnh Thị Gái, Trưởng phòng Tư pháp quận Gò Vấp, kể một vụ việc có thật trên địa bàn quận. Theo đó, có trường hợp đi nước ngoài định cư nhưng không xóa hộ khẩu. Khi người đó về Việt Nam, đến địa phương nơi có hộ khẩu để đăng ký kết hôn thì vẫn được UBND phường giải quyết, trong khi lẽ ra hồ sơ phải nộp lên Sở Tư pháp TPHCM. Mãi 3 năm sau, vụ việc mới bị phát hiện.

Đại tá Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TPHCM, nêu một thực tế khác. Theo khoản 2 điều 30 Luật Cư trú, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi đến địa điểm mới nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú thì công dân phải đến đăng ký tạm trú tại công an xã - phường - thị trấn. Lợi dụng kẽ hở này, không ít người viện lý do chưa hết thời hạn để không đăng ký. Họ ở đến ngày thứ 28 hay 29 thì chuyển đi chỗ khác. Từ đó, ông đề nghị sắp tới, khi ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, cần giảm thời hạn đăng ký tạm trú từ 30 ngày như quy định hiện nay xuống còn 15 ngày.

Công an quận Bình Tân hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký hộ khẩu.

Công an quận Bình Tân hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký hộ khẩu.

  • Siết quá: Dân khổ

“Bản thân hộ khẩu không có tội, nhưng đã bị biến thành có tội”, lời than thở trên đã nói lên nỗi khổ của người dân, khi hộ khẩu từ chỉ là biện pháp quản lý về cư trú của cơ quan Nhà nước đã bị biến tướng thành một loại “giấy phép” quan trọng trong khi muốn xin định mức điện nước cho hộ gia đình, xin trường cho trẻ... Ví dụ minh chứng cụ thể là nhiều hộ dân bị giải tỏa nhà trong Dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài dù đã được bố trí tái định cư ở quận khác nhưng vẫn xin được giữ lại hộ khẩu tại địa chỉ cũ, mục đích là tiện xin cho con cháu đi học tại quận Gò Vấp.

“Có những hộ dân đã chuyển đi nơi khác cả chục năm nhưng vẫn chưa xóa hộ khẩu. Khi người dân lên xin xác nhận của công an nơi cư trú, nếu không xác nhận thì gây khó cho người dân, nếu xác nhận thì chúng tôi vừa ký vừa run”, lãnh đạo Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an quận Gò Vấp nói.

Mặc dù có những quy định thoáng hơn, nhưng Luật Cư trú vẫn còn những quy định quá siết chặt hoặc chưa giải được những nút thắt tồn tại đã lâu, làm hạn chế quyền lợi của người dân. Vướng mắc được nhắc đến nhiều nhất là việc khoản 1 điều 20 Luật Cư trú quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương là phải có chỗ ở hợp pháp và tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên.

Trên thực tế, nhiều người chuyển nhà trọ nhiều lần nhưng thời gian tạm trú tại thành phố cộng lại đã hơn một năm. Nếu theo đúng quy định trên, sau khi mua nhà, họ phải mất thêm một năm tạm trú tại căn nhà đó mới được đăng ký thường trú.

Từ thực tế trên, Công an TPHCM đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM kiến nghị cho phép giải quyết đăng ký thường trú ngay đối với những trường hợp này, không để người dân phải chờ đợi thêm nữa. Bên cạnh đó, cũng cần sớm giải quyết hộ khẩu cho những trường hợp đi nghĩa vụ quân sự (thời gian nhập ngũ từ năm 1996 trở về sau) đào ngũ, bỏ ngũ do đến nay chưa có hướng dẫn của cơ quan quân sự.

Đại tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TPHCM, nhìn nhận: Một số quận, huyện có lượng dân nhập cư đông nhưng lực lượng cảnh sát khu vực (CSKV) bố trí không đủ theo biên chế, do đó CSKV quản lý số hộ và nhân khẩu vượt quá quy định của Điều lệnh CSKV. Khi có di biến động về nhân, hộ khẩu, CSKV không cập nhật kịp thời, ảnh hưởng đến công tác quản lý cư trú tại địa bàn phụ trách.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục