Khổ vì ngập

Chỉ mưa lớn một chút là nhiều tuyến đường tại khu Bàu Cát, Âu Cơ, Hòa Bình, Nguyễn Hồng Đào (quận Tân Bình, TPHCM)… bị ngập nặng và rút nước chậm. Nước ngập gây tắc nghẽn giao thông và ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh của người dân.
Khổ vì ngập

Chỉ mưa lớn một chút là nhiều tuyến đường tại khu Bàu Cát, Âu Cơ, Hòa Bình, Nguyễn Hồng Đào (quận Tân Bình, TPHCM)… bị ngập nặng và rút nước chậm. Nước ngập gây tắc nghẽn giao thông và ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh của người dân.

        Nhà ngập, buôn bán ế ẩm

Trời mưa liên tiếp mấy ngày qua khiến nhiều tuyến đường chìm trong biển nước. Vừa dọn hàng vào nhà, chị Lê Thị Hồng (bán cửa hàng điện gia dụng trên đường Âu Cơ, quận Tân Phú) cứ nhấp nhổm nhìn trời, hy vọng mưa sẽ ngưng để có thể buôn bán. Chị than: “Mấy ngày nay, trời mưa liên tiếp, nước ngập lênh láng, người dân đi xe còn không được, đâu ai tới đây mua sắm gì”. Các cửa hàng cùng khu vực này đều buôn bán ế ẩm nhiều ngày qua, hàng quán ăn uống cũng phải đóng cửa nghỉ chờ… hết nước.

Lo mưa lớn sẽ làm nước chảy tràn vào nhà, anh Nguyễn Văn Thao (ở hẻm 618 Âu Cơ) hì hục bưng từng bao cát chất thành hàng để chặn nước. Anh kể: “Không biết mưa lớn hay nhỏ nhưng cứ phải làm bờ ngăn. Mấy hôm trước, mưa lớn, không có ai ở nhà chặn nên nước tràn vào ngập khắp nhà, nhà vệ sinh bị ngập không thể sử dụng được. Tôi đi làm về, vất vả vượt qua “biển nước” ngoài đường, về nhà cũng thấy ngập lênh láng, đồ đạc ướt hết. Trước đây, mưa có lớn cũng không ngập sâu như thế này”. Có chứng kiến cảnh cả xóm tất tả mang những bao cát, ván gỗ... để chặn nước tràn vào nhà mỗi khi trời mưa mới hiểu tình cảnh khốn khổ của cư dân nơi đây. Lại càng đáng lo hơn khi mỗi lần nước ngập là chuột, gián… chạy vào nhà, nhà vệ sinh bì bõm nước, gây mất vệ sinh trầm trọng. Nhiều nhà có con nhỏ đành gửi con ở tạm chỗ khác mỗi khi trời mưa vì sợ mắc bệnh.

        Nguy hiểm dưới dòng nước

Trong nhà đã vậy, ngoài đường ngập sâu làm che khuất các chướng ngại vật bên dưới, khiến nhiều người đi bộ hoặc chạy xe bì bõm trong dòng nước đen ngòm phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Nhiều người bị ngã xuống nước do sụp phải ổ gà, miệng hố ga, vật cản... làm hư hỏng các tài sản mang theo như điện thoại, máy tính, hồ sơ… Thậm chí có người bị thương.

Người đi đường té ngã vì phải mò mẫm trong dòng nước đen. (Ảnh chụp trên đường Hòa Bình chiều 12-9).

Người đi đường té ngã vì phải mò mẫm trong dòng nước đen. (Ảnh chụp trên đường Hòa Bình chiều 12-9).

Được biết, trong cơn mưa lớn ngày 3-9, nhiều tuyến đường bị ngập nặng. Mặc dù đã xây thêm hàng gạch cao từ trước nhưng cửa hàng buôn bán chăn nệm ở địa chỉ 626 Âu Cơ vẫn bị nước chảy tràn vào bên trong, thiệt hại nặng. Bãi giữ xe của công nhân Công ty Thủy sản trên đường Âu Cơ bị nước ngập cao, làm hàng loạt xe chết máy. Cơn mưa ngưng đã lâu nhưng các khu dân cư ở đường Đồng Đen, Âu Cơ, Hòa Bình, nước vẫn còn ngập đến rạng sáng ngày hôm sau. Nhiều xe đi ngang qua đây bị chết máy. Các tiệm sửa xe được dịp làm việc thâu đêm chỉ để lau bu-gi.

Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban quản lý Dự án nâng cấp đô thị TPHCM, cho biết: “Sau cơn mưa ngày 3-9 làm nhiều tuyến đường ngập nặng, mỗi khi trời mưa, công ty đã cử nhân viên túc trực tại hệ thống thoát nước để canh trạm bơm và mở xả nước thoát, không gây ngập nặng ở các tuyến đường. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Để không còn tình trạng ngập nặng, ban quản lý phải kết hợp với Công ty Thoát nước đô thị và Trung tâm Chống ngập đưa ra phương án thích hợp. Còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc ngập nặng như biến đổi khí hậu làm nước dâng, hệ thống cống bị rác cản dòng chảy. Ngoài ra, khu Bàu Cát, Hòa Bình (đoạn trước cổng Đầm Sen) là vùng trũng, thấp hơn 50cm so với các nơi khác, nên khi đường Âu Cơ ngập sẽ làm nơi đây nước ngập sâu”.

Theo ông Lê Thanh Liêm, do chưa làm xong cống thoát nước ở gói số 10 (bến Phú Lâm), nên ban quản lý phải cho nhổ cừ, nạo vét và đổi thành 2 cống lớn đầu trạm bơm Phú Lâm, để nước thoát nhanh, không gây ngập nặng. Chậm nhất đến ngày 20-9, ban quản lý sẽ làm xong đường mương thoát nước (đoạn từ Âu Cơ đến Hòa Bình) và đặt 2 máy bơm để làm giảm bớt tình hình ngập nước trên đường Âu Cơ, Hòa Bình, Tân Hóa. Theo kế hoạch, cuối năm 2013 sẽ làm xong đường cống để có thể thoát nước nhanh, giảm bớt tình trạng ngập cao ở các con đường trong khu vực này.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục