Khóa học đặc biệt

Hà Nội mùa thu 1970. Tại làng hoa Quảng Bá, nhà sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam có một khóa học đặc biệt. Đặc biệt vì đây là khóa học duy nhất bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ cho các chiến trường miền Nam thời chống Mỹ cứu nước.

Hà Nội mùa thu 1970. Tại làng hoa Quảng Bá, nhà sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam có một khóa học đặc biệt. Đặc biệt vì đây là khóa học duy nhất bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ cho các chiến trường miền Nam thời chống Mỹ cứu nước.

Tuổi xanh xuân sung sức, có khả năng sáng tác và đặc biệt là tất cả đều tràn đầy lòng tự nguyện xung phong ra chiến trường, những tiêu chuẩn ấy đủ để các anh các chị là công nhân, kỹ sư, bộ đội, sinh viên (khoa Sử, khoa Văn của Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm) được tập hợp lại thành khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam.

Những người khởi xướng khóa học là nhà thơ Tố Hữu (Trưởng ban Tuyên huấn TƯ), nhà văn Nguyễn Đình Thi (Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam), nhà thơ Bảo Định Giang (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam) và ông Phan Triêm (Phó Ban tổ chức TƯ). Chủ nhiệm khóa học là nhà văn Nguyên Hồng, cùng ban giáo vụ gồm các nhà văn Kim Lân, Phan Tứ, Võ Quang, Thu Bồn, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Ngọc Trai, Xuân Tùng… Hầu hết những văn nghệ sĩ nổi tiếng đều tham gia giảng dạy lên lớp: Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Nông Quốc Chấn, Nguyễn Văn Bổng, Trần Hoàn…

Hơn 70 học viên tâm huyết ấy phần nhiều là sinh viên Văn - Sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội, bên cạnh những anh chị vừa ra trường như Phan An, Đoàn Tử Diễn, Ngô Thế Oanh, Từ Quốc Hoài; những cây viết mới xuất hiện của quân đội như Triệu Bôn, Nguyễn Trí Huân, Phạm Minh Lợi; những công nhân - viết văn đang lên như Nguyễn Khắc Phục, Lê Điệp… cùng các sinh viên nữ có tài như Bùi Thị Chiến, Trần Thị Thắng, Vũ Thị Hồng, Đỗ Thị Thanh (Hà Phương)… Tham gia khóa học còn có 3 nhà văn của nước bạn Lào: Văn Thon, Chăn Thi, Bun Thăm… Sức hấp dẫn của lớp học còn có Thanh Thảo (sinh viên Tổng hợp Văn) chuẩn bị ra chiến trường thuộc Binh vận Quân đội cũng tự nguyện tham gia.

Điều đặc biệt của khóa học là tất cả học xong đều tỏa ra các chiến trường và không một ai vì bất kỳ lý do gì ở lại. Tất cả lên đường và tất cả đã thành công. Chiến trường Trị Thiên, chiến trường Khu V, Khu VI, chiến trường B2 Nam bộ, chiến trường Lào… Trong chiến tranh không ai vấp ngã, cho dù nhiều người đã nằm lại chiến trường như Nguyễn Hồng (chiến trường khu V); Nguyễn Kim, Nguyễn Văn Long (chiến trường B2, Nam bộ)… Những người bạn khác đã nằm xuống sau ngày thống nhất cũng vì chiến tranh như Trần Vũ Mai, Nguyễn Văn Đệ (Hà Linh Chi), Nguyễn Văn Đồng, Bùi Hồng Việt, Phạm Thị Loan, Phạm Thanh Xuân… Tất cả đã nên người và thành công. Có người là cán bộ lãnh đạo của Đảng như Phạm Quang Nghị, Nguyễn Đức Hạt, Phan Xuân Biên, có người là cán bộ quản lý Cao Xuân Phách, Trần Trung Kiên, Võ Quy Nhơn; có người thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ khoa học xã hội và có người thành nhà văn nhà báo nổi tiếng và có uy tín. 

Tháng 10-2010, Kỷ niệm 40 năm tròn khóa IV, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức buổi hội ngộ. Dù không còn đầy đủ đội hình, nhiều người nằm lại chiến trường, nhiều người bệnh tật và có người không đủ điều kiện về Hà Nội gặp mặt, nhưng còn đó nguyên vẹn vẻ đẹp thanh xuân, khả năng sẵn có, và đặc biệt là lòng tự nguyện, hiến dâng…

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, khuôn mặt xuất sắc của khóa học, tâm sự: “Tôi nghĩ chúng tôi may mắn, khóa học chúng ta may mắn. Tôi tự hỏi nếu ngày ấy chúng ta không gặp nhau học cùng khóa IV, chúng ta không được các thầy các cô là nhà văn lớn của đất nước dạy, chúng ta không được ra chiến trường, không được sống những năm tháng đầy thử thách sau hòa bình làm gì có được đội ngũ và thành tựu như trên”.

Nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã nói: “Hội Nhà văn Việt Nam mãi tự hào về khóa IV, một khóa đặc biệt, duy nhất, tăng cường một lực lượng hùng hậu cho chiến trường. Các bạn đã thành công. Không phải hiện nay khóa IV chiếm số lượng đông, sung sức của hội, không chỉ khóa IV có 2 Phó Chủ tịch hội là Nguyễn Trí Huấn và Lê Quang Trang. Hồi ấy nếu không phải ra trận gấp, tôi đã có mặt dự học, tôi xin làm một học viên danh dự của khóa IV”.

Đã có 3 lần khóa IV gặp mặt. Lần nào cũng cảm động và tự hào. Lần thứ nhất ở Đà Nẵng, với sự đón tiếp của Nguyễn Đức Hạt, Nguyễn Bá Thanh. Lần thứ 2 tại TPHCM với sự đón tiếp của đồng chí Nguyễn Minh Triết (nay là Chủ tịch nước), Lê Thanh Hải (nay là Bí thư Thành ủy TPHCM) và lần thứ 3 tại thủ đô Hà Nội đúng dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với sự đón tiếp của đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội.

Phần tôi, tôi cứ nghĩ và tự hào, rằng khóa IV trong chiến tranh không có ai đầu hàng, hòa bình dựng xây không có ai vấp ngã. Nhiều người đã thành công!

VŨ ÂN THY

Tin cùng chuyên mục