Khoan sức dân...

Xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ là tiền, vốn nhưng nếu không có tiền không thể xây dựng NTM. Vì vậy, ngay từ đầu nhà nước đã tính đến việc phải đa dạng hóa nguồn lực, trong đó, đầu tiên là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư vào các công trình thiết yếu có sức lan tỏa, tạo động lực và niềm tin cho toàn xã hội và người dân tham gia như xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, hệ thống thủy lợi... Vì vậy, vốn nhà nước được xem là vốn mồi nhằm huy động nguồn lực từ cộng đồng, trong đó, sự tham gia của doanh nghiệp, nhà đầu tư và vốn từ các quỹ tín dụng, ngân hàng rất quan trọng. Bên cạnh đó, phải biết khai thác, kết hợp, lồng ghép từ nhiều nguồn vốn đầu tư khác. Là chủ thể, được hưởng lợi trực tiếp nên người dân cũng đã tự nguyện góp vốn, đất đai hay công sức tùy theo khả năng của mỗi gia đình để cùng nhà nước xây dựng NTM. Số liệu tổng hợp được 18 tỉnh thành phía Nam về các nguồn lực xây dựng NTM thời gian qua cho thấy, người dân 18 tỉnh thành phía Nam đã góp hơn 9.100 tỷ đồng (trong tổng số trên 58.500 tỷ đồng), còn lại là vốn lồng ghép 11.800 tỷ đồng, chương trình NTM 769 tỷ đồng, ngân sách địa phương 17.300 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 14.300 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp trên 4.000 tỷ đồng, các nguồn vốn khác gần 1.100 tỷ đồng,

Thực tế cho thấy, nguồn ngân sách đầu tư của nhà nước và nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm đều tăng nhưng còn quá thấp so với yêu cầu. Hơn nữa, trước khó khăn về kinh tế kéo dài, việc huy động nguồn lực cho chương trình xây dựng NTM thời gian gần đây gặp không ít hạn chế, bản thân nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng gặp không ít rủi ro trong sản xuất, kinh doanh nên không cắt giảm đầu tư mới. Trong khi đó, vài năm nay việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn về đầu ra, giá cả giảm nên nguồn thu nhập của nông dân bị suy giảm, không ít bà con bị suy kiệt vì thua lỗ kéo dài như những hộ nuôi cá tra, lúa gạo hay dịch bệnh trên tôm… Vì vậy việc huy động nguồn vốn từ dân không thể không ảnh hưởng. Đã có ý kiến lo ngại, nếu huy động sức dân một cách thái quá, nhất là trong bối cảnh hiện nay thì nông dân có thể sẽ bị suy kiệt. Do đó việc huy động nguồn lực trong dân phải phù hợp để còn khoan sức dân, bởi người dân nông thôn đã và đang đóng cả chục các loại  phí khác nhau mỗi năm. 

Vùng ĐBSCL dù là vựa lúa gạo, vựa tôm cá, vùng trọng điểm về cây ăn trái nhưng xuất phát điểm về kinh tế-xã hội ở khu vực này còn thấp so với mặt bằng chung, trình độ dân trí thấp ảnh hưởng đến việc tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chỉ thuần nông, phụ thuộc nhiều vào thời tiết; hạ tầng nông thôn yếu kém, suất đầu tư cao; nhà nước chưa có chiến lược giải quyết đầu ra cho nông sản một cách căn cơ, thời gian gần đây gặp thêm vấn nạn hàng hóa nông sản khó tiêu thụ, giá cả bấp bênh nên đời sống người nông dân gặp không ít khó khăn. Có thể nói, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm tỷ lệ số xã đạt dưới 5/19 tiêu chí còn cao. Qua khảo sát tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, rất ít xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, thủy lợi, giáo dục, đặc biệt là thu nhập. Vì để đạt những tiêu chí trên phải có vốn đầu tư rất lớn. Thiếu nguồn lực, thời gian thực hiện ngắn, trong khi yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia về NTM cao nên nhiều địa phương e ngại cho rằng, năm 2015 không thể đạt chỉ tiêu 20% số xã NTM. Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, đòi hỏi phải có bước đi và lộ trình thích hợp với điều kiện, nguồn lực từng địa phương. Cần tránh bệnh thành tích, nóng vội, chủ quan, duy ý chí.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục