Dù đã khai giảng gần tháng nhưng chuyện các khoản thu đầu năm học tại nhiều trường vẫn là đề tài được phụ huynh quan tâm, bức xúc. Tuần qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT kết hợp với các tỉnh, thành tiến hành kiểm tra tình trạng lạm thu tại các trường. Và có lẽ Trường THCS Colette (quận 3, TPHCM) được báo chí nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua với 17 khoản thu khác nhau, chưa kể đề nghị mỗi phụ huynh “chung sức” vào khoản kinh phí 2 tỷ đồng để xây sửa nhà vệ sinh mới… Chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông Trần Quang Bá, Phó Chủ tịch UBND quận 3 phụ trách Văn hóa-Xã hội, chung quanh các khoản thu nói trên.
* PV: Thưa ông, khi bước vào năm học mới quận có chỉ đạo các trường trên địa bàn về việc các khoản thu đầu năm không ?
* Ông TRẦN QUANG BÁ: Trước khi bước vào năm học mới, quận đã chỉ đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo quận rà soát, căn cứ các văn bản, hướng dẫn của ngành về các khoản thu hộ, chi hộ để hướng dẫn các trường thực hiện cho đúng. Riêng các khoản vận động, quận lưu ý phải được sự đồng thuận của phụ huynh. Về phương thức vận động, không thu đổ đồng, bình quân, không thu các gia đình nghèo, diện chính sách, không được phân bổ trong vận động, chỉ nhận sự ủng hộ của các mạnh thường quân, các doanh nghiệp. Cái này quận nhắc nhở rất kỹ.
Nhà vệ sinh mới cải tạo tại Trường THCS Lê Quý Đôn với nguồn kinh phí do các mạnh thường quân và doanh nghiệp đóng góp. Ảnh: THANH HẢI
* Thế nhưng, như Trường THCS Colette, thu tới 17 khoản, ông có biết không?
* Biết chứ. Khi dư luận xầm xì rồi báo chí lên tiếng, tôi đã chỉ đạo Thanh tra Phòng GD-ĐT kiểm tra liền. Các khoản này, trường đều có thỏa thuận với phụ huynh, quận có trách nhiệm kiểm tra khi trường làm sai chỉ đạo của quận. Tôi nói ví dụ, có người thắc mắc sao đã thu tiền học bán trú lại thu tiền vệ sinh bán trú (15.000 đồng/tháng), nước uống bán trú (5.000 đồng)… vì lẽ các cháu bán trú ở lại ăn trưa, phải có khăn lau miệng, có người phục vụ bàn ghế, dọn dẹp. Nếu không thu khoản này thì ai sẽ làm công việc này?
* Còn thu tiền máy lạnh cả 4 khối lớp và ầm ĩ nhất là chuyện dự kiến thu 2 tỷ đồng xây nhà vệ sinh…
* Về việc xây nhà vệ sinh, quận đề nghị các trường đến tham quan và học tập kinh nghiệm từ Trường THCS Lê Quý Đôn. Trường này vận động được mạnh thường quân, thậm chí có doanh nghiệp và mạnh thường quân ủng hộ hơn 300 triệu đồng để xây mới nhà vệ sinh. Hôm báo chí đăng, tôi trực tiếp mời Hiệu trưởng Trường Colette lên làm việc và tôi đã nói việc trường định làm là sai. Cái sai ở đây là trường đổ đồng, dự kiến nguồn thu theo số lượng học sinh, rồi chia cho từng khối lớp. Quận không đồng tình cách làm này. Cũng may trường chỉ mới dự tính làm thì dư luận đã lên tiếng rồi. Tôi nhắc lại, các khoản thu phải được sự đồng thuận, sao cho hợp tình hợp lý.
* Khi thu tiền, nhiều trường cứ viện cớ là “xã hội hóa”. Theo ông, nên hiểu như thế nào cho đúng khái niệm này?
* Xã hội hóa là một chủ trương của Đảng và Nhà nước. Xã hội hóa là vận động sự ủng hộ theo 2 hướng, một là sự ủng hộ, đóng góp của các mạnh thường quân, hai là phải được sự đồng thuận của phụ huynh. Ví dụ, như tiền học bán trú, tiền vệ sinh bán trú… chẳng hạn, là xã hội hóa, giữa nhà trường và phụ huynh có sự bàn bạc, thống nhất để cùng chăm lo cho các cháu. Cũng phải nhấn mạnh, riêng về cơ sở vật chất, trang thiết bị như máy lạnh, nhà vệ sinh…. thì không được thu bình quân hay đổ đồng, ai có sức đóng góp bao nhiêu là tùy, không ép. Tôi vừa ký văn bản gửi phòng giáo dục và các trường, nhấn mạnh không được thu đối với gia đình nghèo, gia đình chính sách và quận sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra. Khi các trường trình phương án đầu tư cơ sở vật chất mà tiến hành thu theo bình quân, quận sẽ bác ngay và thanh tra giáo dục sẽ vào cuộc làm, làm rõ.
THƯ LÊ