Clip: HOÀNG BẮC |
Sáng 14-7, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (chủ đầu tư) tổ chức khởi công gói thầu số 6.12 “Thi công xây dựng và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2” của dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Bộ GTVT phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức khởi công gói thầu số 6.12. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Theo đó, tuyến số 1 dài 4,3km, kết nối QL 51 vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành với vận tốc 80km/h. Tuyến số 2 dài 3,5km, kết nối Cao tốc TPHCM Long Thành - Dầu Giây vào tuyến 1 với vận tốc đạt 100km/h.
Trên tuyến xây dựng 9 cầu với tổng chiều dài hơn 3,8km và 3 nút giao khác mức gồm: nút giao tuyến số 1 với QL51; nút giao tuyến số 1 với tuyến số 2; nút giao tuyến 2 với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Công trình dự kiến thi công trong 885 ngày, hoàn thành năm 2025.
Trên tuyến xây dựng 3 nút giao khác mức. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Ông Khương Văn Cương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hiện nay, liên danh nhà thầu đã chuẩn bị đầy đủ nhân sự, máy móc thiết bị, vật tư, vật liệu thiết yếu để triển khai gói thầu ngay sau lễ khởi công. Tuy nhiên, hiện tuyến số 1 mới bàn giao khoảng 70% mặt bằng, tuyến 2 chưa có mặt bằng. Và nhu cầu vật liệu để làm 2 tuyến đường là khoảng 1 triệu m³ đất, khoảng 10.000 m³ cát, khoảng 214.000m³ đá.
Ông Khương Văn Cương kiến nghị chủ đầu tư xem xét các nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ để có giải pháp hỗ trợ, hoặc điều chỉnh thời gian hợp đồng phù hợp thực tế; và kiến nghị tỉnh Đồng Nai sớm bàn giao đủ mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu trong việc tiếp cận công trường, các mỏ vật liệu, bãi thải, đảm bảo an toàn trật tự khu vực thi công.
Đơn vị thi công đã sẵn sàng thi công ngay sau lễ khởi công. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV cho biết, Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 là dự án quan trọng đặc biệt cấp Quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách, cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, Cảng HKQT Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối Cảng HKQT Long Thành với giao thông khu vực là rất quan trọng, nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận của hành khách, cũng như đảm bảo việc vận hành thông suốt của cảng hàng không khi đi vào hoạt động.