Khơi dậy sức sáng tạo của sinh viên, phát triển tri thức phục vụ cộng đồng

Ngày 3 -10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dự Lễ khai khóa ĐH Quốc gia TPHCM và dành gần 1 giờ để làm diễn giả trao đổi với hơn 1.000 sinh viên, cán bộ giảng viên về chủ đề “Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4: Thời cơ phát triển và các thách thức phi truyền thống”.
Khơi dậy sức sáng tạo của sinh viên, phát triển tri thức phục vụ cộng đồng

Chủ tịch nước Trần Đại Quang:

(SGGPO).- Ngày 3 -10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dự Lễ khai khóa ĐH Quốc gia TPHCM và dành gần 1 giờ để làm diễn giả trao đổi với hơn 1.000 sinh viên, cán bộ giảng viên về chủ đề “Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4: Thời cơ phát triển và các thách thức phi truyền thống”.

Tham dự Lễ khai khóa còn có đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cùng đại diện các bộ, ngành trung ương, địa phương.

Những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Buổi nói chuyện của Chủ tịch nước đã mang đến cho sinh viên những thông tin bổ ích, thắp sáng và khơi dậy những hoài bão và khát vọng, trách nhiệm đối với Tổ quốc của sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM nói riêng và sinh viên cả nước nói chung. 

Mở đầu buổi nói chuyện với sinh viên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị sinh viên đặt câu hỏi về vấn đề mình quan tâm. Ngay lập tức, nhiều sinh viên mạnh dạn đặt câu hỏi. Sinh viên Trần Hoàng Lộc (ngành kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Công nghệ thông tin) muốn hiểu rõ hơn đặc trưng của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4. Sinh viên Văn An (Trường ĐH KHXH và NV TPHCM) thì trăn trở: “Cuộc cách mạng này ảnh hưởng đến Việt Nam ở những lĩnh vực nào?” Sinh viên Trương Phương Nam (Trường ĐH Bách khoa) đặt vấn đề về phát triển công nghiệp với môi trường...

Trả lời vấn đề trên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề cập tới bối cảnh ra đời và đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cuộc cách mạng công nghiệp lần này gắn liền với thuật ngữ “Công nghiệp 4.0”, lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ Công nghệ Hannover (CHLB Đức) năm 2011. Năm 2012, thuật ngữ này được đặt tên cho một chương trình hỗ trợ của Chính phủ Đức hợp tác với giới nghiên cứu và các hiệp hội công nghiệp hàng đầu của Đức nhằm cải thiện quy trình quản lý và sản xuất trong các ngành chế tạo thông qua “điện toán hóa.” Từ đó đến nay, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Ngày 20-1-2016, Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) đã khai mạc với chủ đề “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.”

Chủ tịch nước cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên “cách mạng” về tổ chức các chuỗi sản xuất - giá trị. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người.

Đề cập tới những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, về mặt kinh tế, cuộc cách mạng sẽ tác động mạnh mẽ đến sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức, các thành tựu mới của khoa học - công nghệ được ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý, quản trị... Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo - là những động lực không giới hạn, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng vốn, lao động phổ thông - là những yếu tố đầu vào luôn có giới hạn. Cuộc cách mạng cũng sẽ tác động tích cực đến tiêu dùng và giá cả.

Về mặt xã hội, cuộc cách mạng này thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội ở nhiều nước với sự xuất hiện ngày càng đông đảo tầng lớp sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, thiết kế, văn hóa, nghệ thuật, giải trí, truyền thông, giáo dục, đào tạo, y tế, pháp luật... Về việc làm, trong trung hạn và dài hạn, các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp sẽ bị tác động trực tiếp và nhiều nhất, do nhu cầu sử dụng lao động tay nghề cao tăng trong khi nhu cầu sử dụng lao động kỹ năng thấp ngày càng giảm. Cuộc cách mạng công nghiệp lần này cùng với những thay đổi nhanh chóng và rộng khắp đặt các nhà quản lý trước những thách thức ở mức độ chưa từng có về yêu cầu nâng cao trình độ quản lý và tốc độ ra quyết định.

Thời cơ và thách thức mới

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đang tạo ra thời cơ mới cho đất nước hội nhập sâu rộng hơn và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới. Do điều kiện chiến tranh và hoàn cảnh lịch sử, đất nước đã không có cơ hội để tiếp cận và bắt nhịp ngay từ đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Do đó, việc thế giới mới khởi phát cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam không có được trong suốt 30 năm qua để nhanh chóng đón bắt, tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới; tranh thủ các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hẹp khoảng cách phát triển. Đi cùng với đó, đất nước cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn.

Chỉ rõ những thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra, Chủ tịch nước cho biết: tình hình an ninh mạng trên thế giới diễn biến ngày càng phức tạp với hàng loạt chiến dịch gián điệp, tấn công mạng của tin tặc nhằm vào những cơ quan, tổ chức và tập đoàn kinh tế lớn... Hoạt động sử dụng không gian mạng để truyền bá tư tưởng khủng bố, cực đoan đã, đang và sẽ tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến an ninh các quốc gia. Chiến tranh mạng đã xuất hiện và được sử dụng vào mục đích chính trị, quân sự. Tình báo mạng trở thành con đường ngắn nhất để đi tắt đón đầu, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia...

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới, tốc độ ứng dụng và phát triển internet ngày càng tăng nhưng cũng đặt ra những nguy cơ, thách thức, tiềm ẩn những yếu tố đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Các thế lực thù địch, phản động triệt để sử dụng mạng viễn thông, internet để tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, gây rối, bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền, thay đổi thể chế chính trị ở nước ta. Một luận điểm cực kỳ quan trọng cần thấu suốt, đó là công tác bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, phòng, chống vi phạm và tội phạm mạng là cuộc đấu tranh của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, là một bộ phận trọng yếu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, của các cấp, các ngành.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trồng cây lưu niệm trước nhà Điều hành ĐH Quốc gia TPHCM.

Những giải pháp đồng bộ

Trước những thách thức trên, các giải pháp cần được chú ý thực hiện: Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược tổng thể, toàn diện, phát triển công nghệ về bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam; sử dụng đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật thuận lợi cho hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng, phục vụ phát triển công nghệ thông tin, kinh tế - xã hội; phát triển đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học về công nghệ thông tin nói chung và lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng nói riêng; đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế về an ninh, an toàn thông tin; tiếp thu những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến của thế giới, tiến tới làm chủ công nghệ và phát triển các sản phẩm về an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng, góp phần xây dựng không gian mạng lành mạnh, vì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: ĐH Quốc gia TPHCM là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, một hệ thống các trường đại học thành viên, các viện nghiên cứu và đơn vị chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực cần quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục - đào tạo. ĐH Quốc gia TPHCM phải là nơi thu hút nhân tài, hội tụ của trí tuệ xuất sắc trong giới khoa học, nghiên cứu và giảng dạy, phải là “một thành phố đại học hiện đại,” nơi ươm mầm tài năng của đất nước hôm nay và mai sau, đặc biệt chú trọng khơi dậy khả năng sáng tạo của sinh viên, phát triển và đem tri thức phục vụ cộng đồng một cách thiết thực, hiệu quả.

Dịp này, Chủ tịch nước tặng ĐH Quốc gia hai bộ sách do Chủ tịch nước biên soạn: Không gian mạng tương lai và hành động, Nhân dân cội nguồn sức mạnh bảo vệ an ninh Tổ quốc. Sau đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, lãnh đạo các bộ, ngành... trồng cây lưu niệm trước khuôn viên Nhà điều hành ĐH Quốc gia TPHCM.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục