Khởi nghiệp từ gánh bún bò

Khởi nghiệp từ gánh bún bò

Đến chung cư 38 Nguyễn Văn Trỗi, phường 15 quận Phú Nhuận TPHCM, hỏi thăm chị Trần Thị Duyên, ai cũng biết. Mọi người biết chị không chỉ là người phụ nữ có nghị lực và tinh thần vượt khó mà còn là nhân tố tích cực trong các phong trào quần chúng và công tác xã hội tại địa phương…

Chị Trần Thị Duyên (trái) và xe bún bò, phương tiện mưu sinh nuôi gia đình và 3 con học đại học. Ảnh: Tự Lực

Chị Trần Thị Duyên (trái) và xe bún bò, phương tiện mưu sinh nuôi gia đình và 3 con học đại học. Ảnh: Tự Lực

Căn hộ tại tầng 1 chung cư, nơi gia đình chị Duyên trú ngụ tuy chật hẹp nhưng khá ấm cúng. Lúc chúng tôi đến, đã gần 3 giờ chiều nhưng chị vẫn còn loay hoay trong bếp cùng nồi niêu, xoong chảo và các gia vị, thực phẩm chuẩn bị cho một ngày bán hàng tiếp theo. “Làm cái nghề bán đồ ăn cực lắm mấy chú, phải thức khuya, dậy sớm mới kịp” - chị Duyên vừa đưa tay gạt mồ hôi trán vừa nói.

Suốt hơn chục năm qua, ngày nào cũng như ngày nào, ngoài vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ chợp mắt, thời gian còn lại chị Duyên quần quật với nồi nước lèo, cọng bún, rổ rau, mâm thịt, bát hành… vì miếng cơm, manh áo. Tranh thủ đôi phút nghỉ tay, chị Duyên chậm rãi tâm sự về hành trình vượt khó của mình.

Nhiều năm làm công nhân nhuộm tại Công ty Dệt Việt Thắng với đồng lương vài chục ngàn đồng/tháng, chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống vốn quá khó khăn của thời bao cấp. Gần như tất cả mọi chi phí còn lại cho gia đình đều nhờ vào tiền công đi tàu biển của người chồng. Năm 1991, một năm sau khi thôi việc tại công ty may, sự thiếu thốn, chật vật bắt đầu đè nặng lên cuộc sống gia đình khi chị sinh con lần thứ 2, lại là sinh đôi 2 bé gái. Thương cảnh vợ một nách 3 con nhỏ, lại phải chăm nuôi cha già bị bệnh nằm liệt giường, chồng chị Duyên quyết định chuyển từ đi biển “lên bờ” làm tài xế taxi tự do (thời điểm đó người ta thường gọi là “taxi dù”). Khốn nỗi, tiền kiếm được từ những chuyến xe chạy đêm, chạy ngày cũng chẳng bõ vào đâu. Đến lúc các con đủ tuổi đến trường, cả gia đình có lúc lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa. Quyết không để cảnh khó vùi lấp tương lai gia đình và các con, từ chỗ chỉ biết quanh quẩn ở nhà với công việc nội trợ, chị Duyên bắt đầu lao vào cuộc mưu sinh bằng nghề buôn gánh bán bưng.

Đầu năm 2000, được ban quản lý chung cư cho mượn một góc sân, chị Duyên khởi nghiệp bằng gánh bún bò. Tần tảo sớm hôm mà thu nhập vẫn èo uột. Nghĩ đến các con đang tuổi ăn tuổi lớn, người mẹ trẻ quyết định bán thêm bún riêu, canh bún trọn ngày không nghỉ. “Có thời gian kẹt quá tôi phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi, kể cả vay nóng bên ngoài với lãi suất 5% để đóng tiền học cho con” - chị Duyên ngậm ngùi kể. Đối với người dân sống tại “Chung cư tàu biển” (tên gọi khác của chung cư 38 Nguyễn Văn Trỗi), hình ảnh người mẹ trẻ nai lưng bán hàng từ sáng tinh mơ đến chiều tối, vừa dọn hàng xong chưa kịp ăn uống lại tất tả chạy đi lấy hàng, đi đón con đã trở nên quá quen thuộc. Những ngày mưa to gió lớn, không kịp quơ áo mưa, mẹ con ướt sũng nước khi về đến nhà trông rất tội nghiệp.

Năm 2008, nỗi nhọc nhằn của chị Duyên được vơi bớt phần nào khi chị được Hội Phụ nữ phường 15, quận Phú Nhuận giúp vốn làm ăn từ chương trình “Tín dụng tiết kiệm”, giúp phụ nữ nghèo vay vốn để tổ chức sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ... với lãi suất ưu đãi. Từ lúc chấm dứt cảnh phải vay bên ngoài với lãi suất cao, cần cù chịu khó làm ăn, đến nay, sau gần 4 năm, chị Duyên đã trả cho địa phương đầy đủ lãi và vốn rất đều đặn, thậm chí còn tiết kiệm được gần 1 triệu đồng (theo quy định của chương trình cho vay). Tuy nhiên, điều có ý nghĩa lớn nhất trong đời đối với chị Duyên là 3 người con đều chăm ngoan, học giỏi. Cậu con trai lớn sắp tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, còn 2 cô con gái sinh đôi vất vả ngày nào giờ cũng sắp tốt nghiệp Đại học Hùng Vương và Đại học Ngoại ngữ - Tin học.

Cuộc sống gia đình hiện tại vẫn chưa hết gian truân, nhưng người phụ nữ chịu thương, chịu khó này vẫn không quên giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Các chị Nguyễn Thị Cúc (bán bánh mì), Nguyễn Thị Hải (bán nước giải khát) và Nguyễn Thị Nhạ (bán hàng) hàng xóm của chị Duyên, có hoàn cảnh khó khăn đều được “bà chủ gánh bún bò” giới thiệu, hướng dẫn cách làm thủ tục vay vốn làm ăn. Buôn bán cực nhọc đến vậy nhưng không phong trào nào địa phương phát động mà chị Duyên không tham gia, như đi bộ đồng hành vì người nghèo, đóng góp quỹ hỗ trợ đồng bào thiên tai lũ lụt, xóa đói giảm nghèo...

Đặc biệt chị Duyên còn là “cây văn nghệ” nòng cốt ở phường trong tất cả các hội thi văn nghệ truyền thống được tổ chức hàng năm và đạt nhiều giải cao. Tấm gương về nghị lực và tinh thần vượt khó của chị Duyên được chính quyền địa phương và bà con ở chung cư cảm phục, tín nhiệm bầu chị làm tổ phó tổ dân phố và tổ trưởng Tổ hội phụ nữ tổ 35. Nhiều năm liền tổ 35 được nhận giấy khen của quận, phường về thành tích trong các phong trào quần chúng; bản thân chị Trần Thị Duyên được nhận nhiều giấy khen.

Mai Nguyễn

Tin cùng chuyên mục