Khốn khổ khi xây lại nhà

Nhà ở quá cũ, xuống cấp thì phải xây lại. Nhưng nếu xây lại nhà trong khu dân cư cũ, chủ nhà không chỉ lo chuẩn bị thủ tục, thuê chủ thầu, thời gian và tiền bạc, mà còn phải lường trước việc sẽ gặp nhiều trắc trở phát sinh trong quá trình thi công, do khó tranh thủ được sự đồng thuận của các hộ liền kề và liên tục bị phạt.
Khốn khổ khi xây lại nhà

Nhà ở quá cũ, xuống cấp thì phải xây lại. Nhưng nếu xây lại nhà trong khu dân cư cũ, chủ nhà không chỉ lo chuẩn bị thủ tục, thuê chủ thầu, thời gian và tiền bạc, mà còn phải lường trước việc sẽ gặp nhiều trắc trở phát sinh trong quá trình thi công, do khó tranh thủ được sự đồng thuận của các hộ liền kề và liên tục bị phạt.

        Không đập làm sao xây?

Hẻm nhỏ, nhà cửa san sát nhau, nên khi xây lại nhà trong khu dân cư lâu năm sẽ khó tránh được việc gây phiền toái, khó khăn, thiệt hại cho các nhà liền kề. Vướng mắc phổ biến nhất là khó có thể đào móng, vì có thể gây sụp, nứt tường nhà liền kề.

Ông Lê Tấn Phúm (ở quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết: “Do trước đây, gia đình tôi có một số mâu thuẫn nhỏ với gia đình nhà kế bên, nên khi xây dựng lại căn nhà, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Công trình nhà của tôi cần phải đổ móng làm nền, do vậy tôi phải qua xin chủ nhà bên cạnh cho đập tường rào để đào móng, xong sẽ xây lại tường rào đúng ranh giới hiện hữu. Ban đầu chủ nhà dứt khoát không chịu, sau tôi vận động được anh con chủ nhà thông cảm thuyết phục giúp, nhờ vậy tôi mới có thể tiến hành xây dựng. Nhưng, cái khó khác lại ập đến.

Chuyện bụi bặm, ồn ào trong khi thi công thì hàng xóm gắng chịu đựng được, nhưng khi đập bức tường rào thì căn nhà kề bên nhìn thông thống. Tôi phải ký kết cam đoan canh chừng suốt thời gian thi công công trình, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hộ bên cạnh thì mới có thể tiếp tục thi công xây nhà”.

Nhiều hộ xây lại nhà buộc phải đổ vật liệu xây dựng trên hẻm vì không có chỗ nào khác. Ảnh: THANH HẢI

Nhiều hộ xây lại nhà buộc phải đổ vật liệu xây dựng trên hẻm vì không có chỗ nào khác. Ảnh: THANH HẢI

Cũng sẽ rất khó tranh thủ được sự đồng tình của các hộ liền kề trong việc xử lý chuyện tường chung. Do trước đây có nhiều dãy nhà phố được xây dựng đồng loạt, nên nhiều nhà ở TPHCM có chung bức tường với hai nhà bên cạnh. Dù bức tường chỉ dày 10cm, nhưng khi xây lại nhà, không ai muốn chịu thiệt và quyết đòi cho được 5cm phần tường của nhà mình. Việc đào đất, ép cọc trong lúc thi công phần móng nhà trên nền đất yếu rất dễ gây chấn động và làm nứt tường các căn nhà liền kề. Do vậy, xây nhà mới, sửa chữa nhà cũ thường gây nhiều hệ lụy khiến chủ đầu tư lẫn cư dân lân cận đều phải “khóc” như nhau!

        Nơm nớp lo bị phạt

Nhiều người dân rất bức xúc gọi điện, gửi đơn đến Báo SGGP, phản ánh việc liên tục bị phạt hành chính về việc đổ vật liệu xây dựng (VLXD) lấn chiếm vỉa hè. Thực tế khi xây nhà trong hẻm, chủ đầu tư không thể xoay đâu ra nơi đổ VLXD. Nhà trong hẻm phải đổ VLXD trên lối đi chung, nếu xe không vào hẻm được, phải đổ VLXD ngay đầu hẻm. Công trình xây dựng nhà tại địa chỉ 26 Nguyễn Minh Hoàng (phường 12, quận Tân Bình) có vỉa hè chỉ rộng khoảng 1m, nên đành phải tạm chiếm dụng hết vỉa hè để tập kết VLXD. Công trình xây dựng sát bên hông UBND phường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), đường không vỉa hè nên phải đổ VLXD tràn lan trên đường.

Trên đường Tân Thành (quận Tân Phú), trước hẻm 24 cũng ngổn ngang VLXD do công trình nhà trong hẻm đang thi công, xe không vào được nên đành phải đổ đầu hẻm. Tất cả những công trình xây dựng nhà ở trong hẻm buộc phải vi phạm hành chính mới có thể tập kết VLXD để xây được nhà.

Trong đơn trình bày sự việc, chị N.L.M. (quận Tân Bình) ghi rõ: “Trước khi đổ VLXD chiếm khoảng 1/3 hẻm, gia đình tôi có xin phép người dân gần đó và được đồng ý, thế nhưng sau đó, tôi liên tục bị lực lượng quản lý trật tự đô thị đến phạt. Cứ thế, tôi liên tục phải nộp phạt nhiều lần. Lẽ ra nên thông cảm cho người dân trong hẻm được nộp tiền tạm sử dụng một phần diện tích đất vỉa hè để tập kết VLXD trong quá trình xây dựng công trình”.

Chị L.A.H. (quận Bình Thạnh) đưa cho chúng tôi xem biên bản mới nộp phạt 750.000 đồng về việc để VLXD gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Chị than: “Nếu nhà có mặt bằng thì tôi đổ VLXD trong nhà, mắc gì phải đổ trong hẻm, phải rước thêm phiền toái chi cho mệt”.

Theo Quy định 74/2008/QĐ-UBND về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM do UBND TP ban hành ngày 23-10-2010, các công trình xây dựng nhà được cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè và phải thu phí, nhưng dựa trên nguyên tắc không gây cản trở giao thông cho người đi bộ, phải rào chắn để đảm bảo vệ sinh xung quanh, mỹ quan đô thị và phải chừa phần còn lại rộng khoảng 1m để đảm bảo lưu thông cho người đi bộ.

Thế nhưng trong quy định cũng ghi rõ không áp dụng đối với trường hợp đường không có vỉa hè. Cho nên, những nhà trong hẻm sẽ không được hưởng quy định và luôn bị phạt nếu đổ VLXD chiếm hẻm hoặc đổ VLXD ở đầu hẻm.

ĐOÀN HIỆP - THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục