Gia nhập WTO

Không ai thắng ai, cả hai cùng có lợi

Không ai thắng ai, cả hai cùng có lợi

Để trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một tổ chức chiếm 95% thương mại toàn cầu, Việt Nam phải mất 11 năm cho quá trình đàm phán, chuẩn bị. Hôm nay, 7-11-2006, Việt Nam chính thức bước vào “ngôi nhà” WTO.

Theo cách nói của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia về kinh tế, thì “ngôi nhà” này đã chật kín chỗ, Việt Nam thâm nhập vào WTO là thâm nhập vào thị trường được phân chia ổn định và hiển nhiên chúng ta sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải lạc quan rằng, chưa có một nền kinh tế nào trong 149 nước đã tham gia WTO bị phá sản. Chúng ta hãy bắt đầu WTO từ những điều dễ nhất.

Không ai thắng ai, cả hai cùng có lợi ảnh 1
Cá basa Việt Nam sẽ có thêm thị trường khi vào WTO.

Bước vào môi trường cạnh tranh mới, phải từ bỏ tư duy “ai thắng ai” mà thay và đó là “cả hai cùng có lợi”. Kinh nghiệm ở Trung Quốc cho thấy, tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart (Mỹ) đã nhanh chóng có mặt tại thị trường Trung Quốc bằng cách liên kết với các công ty trong nước để bán hàng và đây là cái “bắt tay” có lợi cho cả hai bên.
 
Việt Nam, dù tới 1-4-2007, lĩnh vực tài chính, ngân hàng mới chính thức có hiệu lực “mở cửa”, nhưng hiện tại, nhiều ngân hàng ngoài nước đã tìm được đối tác, hoàn tất thủ tục liên kết với các ngân hàng trong nước.

Sự linh động sẽ giúp các doanh nghiệp có sự điều chỉnh kịp thời trong chiến lược kinh doanh, đồng thời cũng tạo ra lợi thế khác trong cạnh tranh. Ví như khi Coca Cola có mặt tại thị trường Việt Nam, Tribeco không còn sản xuất nước có gaz mà chuyển sang sản xuất sữa đậu nành và sản phẩm này đã trở thành thế mạnh của Tribeco trong một thời gian dài.

Nói về thị trường cá tra, cá basa tại Mỹ, tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra quan điểm, trước khi bị kiện chống bán phá giá, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt 94 triệu USD/năm, nhưng đến nay con số này đã trên 200 triệu USD/năm, nhờ qua vụ kiện mà thương hiệu cá ba sa Việt Nam nổi lên trên thị trường quốc tế.

Các DN Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến, vì giá trị gia tăng của nó luôn cao hơn sản phẩm thô. Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, trên 53% là các sản phẩm thô, do đó việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến sẽ tạo ra lợi thế so sánh giữa Việt Nam với thị trường các nước.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp có nhiều năm tham gia trong Ban cố vấn kinh tế của Chính phủ đã dự báo: Ảnh hưởng từ việc toàn cầu hóa, thời gian tới, Mỹ sẽ mất 6 triệu việc làm, EU cũng mất 2 triệu việc làm do xu hướng chuyển sản xuất trong nước họ ra khu vực nước ngoài. Đây cũng là cơ hội tốt mà Việt Nam cần nắm bắt, tận dụng thời cơ. Vũ khí quan trọng để vào cuộc chơi với WTO thành công chính là tài và trí.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục