Không an tâm với xe đưa rước học sinh

Không an tâm với xe đưa rước học sinh

Dịch vụ xe đưa rước học sinh (viết tắt XĐR) giúp phụ huynh an tâm chuyện đưa rước con, đảm bảo an toàn, đồng thời cũng giúp giảm tình trạng kẹt xe ở TPHCM. Vậy mà vài năm trở lại đây, dịch vụ XĐR ngày càng thu hẹp.

Chất lượng dịch vụ kém

Tại TPHCM, việc tổ chức dịch vụ XĐR được nhiều trường tư thục, trường quốc tế quan tâm, sau mới dần lan rộng sang một số trường công, từ bậc tiểu học đến trung học, thậm chí có trường mầm non cũng có dịch vụ này. Thế nhưng đến nay, dịch vụ XĐR ở các trường quốc tế, trường tư thục vẫn đảm bảo, còn ở các trường công đã hiếm hoi. Nhiều loại xe được sử dụng cho dịch vụ XĐR, trong đó đa số là trưng dụng xe buýt. Vì phải đi làm, không có người đưa rước con, nên nhiều phụ huynh mong muốn nhà trường có dịch vụ XĐR, nhưng không thể hài lòng với chất lượng XĐR hiện nay.

Xe đưa rước học sinh cũ kỹ, thiếu an toàn cho học sinh

Chị Mai Thị Cẩm Hà, có con đang học tại Trường THCS Lương Định Của (quận 2), phàn nàn: “XĐR của trường nhìn bên ngoài không quá cũ nhưng nội thất xuống cấp hết rồi. Ghế ngồi xộc xệch, cái lành cái rách. Có hôm con tôi còn bị một thanh sắt ở ghế trồi ra lối đi cứa vào chân. Thấy không ổn nên năm nay vợ chồng tôi lại thay nhau đưa đón con”.

Tương tự, em Phạm Dương Trà My, học sinh Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp), cũng xin ba mẹ cho đi xe đạp thay vì đi XĐR vì xe dơ. Trà My than: “Nhiều bạn hay mang đồ ăn, nước uống lên xe tranh thủ ăn sáng hoặc ăn vặt, nhưng hình như mấy ngày nhà xe mới quét dọn một lần nên thường xuyên có mùi hôi. Em và nhiều bạn khác cảm thấy nhức đầu, buồn nôn mỗi khi đi xe nên ảnh hưởng đến sức khỏe và không tập trung học tập được”.

Nhiều học sinh ngại đi XĐR vì thời gian di chuyển lâu. Có em ở đầu tuyến phải thức dậy rất sớm và ra khỏi nhà từ 5 giờ sáng để kịp đón xe rồi tranh thủ ngủ trên xe. Nhiều em nhà cách trường chỉ hơn 2km, tan học là gần 17 giờ nhưng hôm nào cũng phải gần 18 giờ mới có mặt ở nhà. Em Nguyễn Mạnh Hòa, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết: “Em thấy đi XĐR rất mất thời gian và mệt mỏi. Nếu quãng đường bình thường đi xe máy chỉ mất 15 phút thì đi XĐR  mất cả tiếng, vì phải ghé nhà này nhà kia để đón hoặc trả các bạn khác. Chỉ vì ba mẹ không yên tâm để em tự đi, chứ em không muốn ngồi XĐR”.

Không ít phụ huynh và học sinh còn phàn nàn về cách phục vụ của nhà xe như tài xế chạy ẩu, hay nghe điện thoại trong lúc lái xe; trễ giờ, không thuận tiện cho các buổi học thêm; hoặc giá cước quá cao. Với loại xe được trợ giá, chỉ khoảng 300.000 - 400.000 đồng/học sinh/tháng, nhưng với xe không trợ giá lên tới 900.000 - 1 triệu đồng/học sinh/tháng…, nên không còn nhiều người mặn mà với XĐR.

Chưa tới 2% số học sinh sử dụng XĐR

Các ngành chức năng của TP đang đau đầu với nạn kẹt xe trước cổng trường vào giờ cao điểm. Nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có giải pháp vận động phụ huynh cho con em sử dụng XĐR. Năm 2011, thực hiện Quyết định 25/2011 của UBND TPHCM về giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) có công văn gửi Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đề nghị vận động học sinh đi học bằng XĐR. Theo đó, Phòng Quản lý vận tải đường bộ của Sở GTVT cam kết chỉ cần các trường tổng hợp danh sách, số lượng đăng ký đi XĐR theo lộ trình đưa rước, thì sẽ phân công các đơn vị vận tải tổ chức thực hiện, đảm bảo nhu cầu xe; xe chất lượng cao có máy lạnh cũng đáp ứng được. Thế nhưng, hiện nay lời cam kết này vẫn chưa được thực hiện tới nơi tới chốn.

Theo Sở GD-ĐT, năm học 2012-2013, toàn TP có 274 trường với khoảng 103.000 học sinh sử dụng dịch vụ XĐR, nhưng đến năm học 2015-2016 chỉ còn khoảng 133 trường với hơn 32.000 học sinh sử dụng dịch vụ. Như vậy, chỉ còn khoảng gần 2% trong số hơn 1,5 triệu học sinh toàn TP.

Mới đây, sau khi các trường kiến nghị về giải pháp để học sinh an tâm tham gia sử dụng dịch vụ XĐR, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cũng ghi nhận đây là giải pháp hiệu quả để kéo giảm tình trạng ùn tắc và giảm tai nạn giao thông, tuy nhiên càng ngày mô hình này càng hoạt động kém hiệu quả, gây mất thiện cảm, mất niềm tin của phụ huynh và học sinh. Trước thực trạng này, tới đây, Sở GTVT sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát đối với học sinh và phụ huynh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn TPHCM để chấn chỉnh và cải thiện dịch vụ XĐR.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục