Trước năm 1975, huyện Đắc Mil (Đắc Nông) có tên quận Đức Lập (thuộc tỉnh Quảng Đức cũ). Mặc dù Đức Lập hiện không còn tên đơn vị hành chính của tỉnh nhưng thương hiệu cà phê Đức Lập vẫn nổi tiếng và có thể sánh ngang với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Nhưng thương hiệu này đang có nguy cơ rơi vào tay công ty nước ngoài khi đơn vị sở hữu nó đang làm ăn thua lỗ và có ý định bán thương hiệu để lấy vốn sản xuất, kinh doanh.
Chuyển giao thương hiệu có điều kiện
Năm 2006, tỉnh Đắc Nông đã đưa thương hiệu cà phê Đức Lập vào dự án xúc tiến hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu nông sản của tỉnh. Nhưng trước đó, vào năm 2004, HTX Minh An đã xây dựng nhà máy sản xuất cà phê bột xuất khẩu, công suất 3.000 tấn/năm (vốn đầu tư 6 tỷ đồng) và nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền 2 nhãn hiệu “Cà phê Đức Lập Đắk Mil”, “Cà phê Minh An Đức Lập”. Sau khi được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng chứng nhận vào năm 2006, HTX đã phát triển thương hiệu này ra nước ngoài và được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu cà phê Đức Lập của tỉnh phải tạm dừng.
Ngày 7-3, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng ban quản trị HTX Minh An, làm tờ trình đề nghị Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Đắc Nông cho HTX vay khoảng 5 tỷ đồng để bù đắp vốn kinh doanh và phát triển thương hiệu sản phẩm cà phê trong những năm qua. Nếu được hỗ trợ, HTX sẽ chuyển giao chữ “Đức Lập” trong nhãn hiệu “Cà phê Đức Lập Đắk Mil”, “Cà phê Minh An Đức Lập” để tỉnh xây dựng nhãn hiệu cà phê tập thể và không lấy một khoản phí nào cả. “Hai năm trước, HTX làm ăn thua lỗ và nợ cà phê ký gửi của hơn 100 hộ dân. Nhưng bây giờ, các xã viên đã lấy nợ này góp vốn cho HTX kinh doanh. Vì thế, HTX chỉ còn nợ Ngân hàng NN-PTNT và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê 2-9 khoảng 3,5 tỷ đồng. Nếu được vay vốn từ quỹ đầu tư phát triển của tỉnh, HTX sẽ trả hết nợ và có vốn tái đầu tư sản xuất, kinh doanh” - ông Nguyễn Văn Toàn chia sẻ.
Tỉnh mua lại thương hiệu?
Ngày 22-3, Sở NN-PTNT tỉnh Đắc Nông cũng kiến nghị tỉnh tạo điều kiện cho HTX được trả lãi trong hạn, giảm lãi quá hạn và vay thêm một số tiền để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đề nghị HTX Minh An không được chuyển nhượng nhãn hiệu cho các đơn vị nước ngoài và chuyển giao chữ “Đức Lập” cho địa phương xây dựng thương hiệu cà phê chung của tỉnh. Sở cũng kiến nghị UBND huyện Đắk Mil không thừa nhận việc bán, chuyển nhượng nhãn hiệu cà phê cho nước ngoài. Nhưng ông Phạm Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, cho biết: Việc HTX Minh An thiếu vốn và chuyển nhượng 2 nhãn hiệu “Cà phê Đức Lập Đắk Mil”, “Cà phê Minh An Đức Lập” cho Công ty TNHH Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu không có gì trái luật. Nhưng nếu điều đó xảy ra sẽ gây trở ngại cho tỉnh trong việc xây dựng thương hiệu nông sản. Ngoài ra cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cà phê có nguồn gốc từ Đắc Nông đến thị trường Trung Quốc.
Ngày 18-4, UBND huyện Đắk Mil đã thành lập đoàn kiểm tra nắm tình hình HTX Minh An để ngăn chặn việc sang nhượng nhãn hiệu cà phê Đức Lập. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại với xã viên HTX Minh An và lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của họ để có hướng giải quyết hợp lý. Đồng thời, huyện sẽ đề nghị tỉnh mua lại 2 nhãn hiệu cà phê Đức Lập để xây dựng thành thương hiệu cà phê của tỉnh bằng ngân sách Nhà nước. Làm như thế, vừa giúp được HTX Minh An, vừa giữ lại thương hiệu cà phê Đức Lập cho tỉnh” - ông Phạm Tuấn Anh cho biết. Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông Lê Diễn cho biết: “Hiện nay có thông tin trái chiều về tình hình kinh doanh của HTX Minh An. Vì thế, tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra để xác minh, nắm rõ tình hình. Nếu HTX này không có vấn đề gì, tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng giúp đỡ HTX vay vượt qua khó khăn”.
| |
Công Hoan