Có thể gọi năm 2012 là năm “đại bầu cử” của thế giới, trong đó có những cuộc bầu cử tổng thống của 3 cường quốc Nga, Pháp, Mỹ và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những vấn đề có thể định hình chương trình nghị sự thế giới trong năm 2012 đang là nội dung của chiến lược tranh cử trong các cuộc bầu cử này. Các cuộc bầu cử trên không chỉ đơn thuần là thay tên đổi họ của người lãnh đạo nhà nước hay đảng mà nó còn ảnh hưởng chính sách đối nội, đối ngoại của quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bầu cử Mỹ (6-11-2012): Việc làm và hàng hóa Trung Quốc
Cuộc bầu cử trong năm 2012 được dự báo không sôi động bằng cuộc bầu cử năm 2008 đã đưa ông Barack Obama bước vào Nhà Trắng nhưng sẽ rất tốn kém, có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế. Vấn đề việc làm đã và đang trở thành chìa khóa thành công trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới khi các thành viên của đảng Cộng hòa thường xuyên chỉ trích cách điều hành kinh tế kém hiệu quả của Tổng thống Obama.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tháng 1 xuống còn 8,3%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua đã giúp khả năng tái đắc cử của ông Obama trở nên rõ ràng hơn. Với tốc độ trung bình 200.000 việc làm mới mỗi tháng trong 3 tháng qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có khả năng giảm xuống mức 8%.
Vấn đề Trung Quốc cũng trở thành đề tài để các bên khai thác cho chiến dịch tranh cử khi các bên đổ lỗi cho tình trạng kinh tế khó khăn và thất nghiệp cao hiện nay ở Mỹ là do hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ. Ông Obama trong thời gian gần đây có những tuyên bố cứng rắn đối với hàng hóa Trung Quốc.
Còn các ứng cử viên đảng Cộng hòa chỉ trích kịch liệt chính sách tỷ giá của nước này, đồng thời yêu cầu áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm Trung Quốc. Vì vậy dư luận dự đoán từ nay đến khi diễn ra bầu cử, tranh chấp thương mại Mỹ -Trung sẽ gay gắt hơn.
Bầu cử Pháp (22-4-2012): Nợ công châu Âu và khôi phục kinh tế
Mặc dù trong buổi vận động tranh cử vào dịp cuối tuần qua, đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy mặc trang phục giản dị, cố gắng củng cố hình ảnh “Người bảo vệ quốc gia” nhưng theo thăm dò dư luận, hình ảnh ông được biết tới như một tổng thống của người giàu khi ông có cuộc sống xa hoa phung phí trong khi kêu gọi cả nước tiết kiệm, đã khiến ông tự tách mình khỏi tầng lớp lao động.
Dư luận nhận định, Tổng thống Sarkozy đang muốn đi trên cùng một đường với đối thủ sáng giá đến từ đảng Xã hội François Hollande, người đã tự gọi mình là “ông bình thường”.
Những chủ đề chính trong chương trình tranh cử sắp tới của cả ông Sarkozy và ông Hollande sẽ là vấn đề nợ công ở châu Âu và nền kinh tế èo uột của chính nước Pháp với tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao nhất trong 12 năm qua là 9,3%, tức khoảng 1 triệu người mất việc làm so với thời điểm Sarkozy nhậm chức.
Cả ông Sarkozy và Hollande đều khẳng định ưu tiên là làm lành mạnh nền tài chính công. Trong khi ông Sarkozy còn chưa đưa ra những biện pháp cụ thể thì ông Hollande đề xuất tăng thuế với ngân hàng, các hãng lớn và giới nhà giàu, để làm giảm thâm hụt và tăng ngân sách cho giáo dục cũng như tạo công ăn việc làm. Theo thăm dò mới nhất công bố ngày 20-2, ông Hollande nhận được 56% số phiếu ủng hộ và ông Sarkozy chỉ được 44%.
Bầu cử Nga (4-3-2012): Ưu tiên chống tham nhũng
Ngày 23-2, hơn 100.000 người dân Nga đã đổ xuống đường phố thủ đô Mátxcơva tuần hành ủng hộ Thủ tướng Vladimir Putin ra tranh cử tổng thống. Bất chấp cái lạnh dưới 0°C, dòng người tuần hành với biểu ngữ “bảo vệ đất nước”, đã tuần hành dọc theo sông Mátxcơva đến sân vận động Luzhniki.
Bầu cử Tổng thống Nga bắt đầu được tiến hành ở các vùng xa xôi, hẻo lánh và sẽ tiếp tục được duy trì cho tới ngày 3-3. Trung tâm Nghiên cứu dư luận toàn Nga, ngày 22-2, công bố dự báo mới nhất, theo đó cuộc bầu cử Tổng thống Nga sẽ chỉ diễn ra một vòng với chiến thắng thuộc về Thủ tướng Nga Vladimir Putin.
Kết quả thăm dò vừa công bố cho thấy, Thủ tướng Vladimir Putin đứng đầu danh sách với 58,6%. Đứng thứ nhì vẫn là Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga Gennady Zyuganov với 14,8% số phiếu bầu, các ứng cử viên còn lại giành được không quá 10%.
Cương lĩnh tranh cử của ông Putin là cải cách chính trị, trong đó đưa ra các biện pháp thúc đẩy dân chủ và chống tham nhũng, một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay ở Nga. Thủ tướng Putin nhấn mạnh, đấu tranh chống tham nhũng cần phải được tiến hành nhất quán, kiên quyết và sáng suốt, trên cơ sở động viên được lực lượng tiên phong là những người có trách nhiệm và vững tin vào thắng lợi của cuộc chiến chống tham nhũng.
HẠNH CHI (tổng hợp)