Không cần thi tốt nghiệp THPT

Các địa phương đã hoàn tất việc công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2011 với một kết quả không thể đẹp hơn. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp của các tỉnh phổ biến từ 90 - 99%. Cả nước chỉ có khoảng 10 tỉnh đậu dưới 90%. Tuy thấp hơn các tỉnh phía Bắc một chút nhưng nhiều địa phương phía Nam năm nay con số tốt nghiệp đã vươn lên “đầu 9”.  Nhiều địa phương, nhất là ở miền núi phía Bắc có tỷ lệ tăng khá đột biến.

Thế nhưng, có một thực tế là dư luận không vui với kết quả mỹ mãn này. Ngay cả những người làm trong ngành giáo dục cũng tự thấy “ngại” với những con số đẹp. Nhiều cán bộ làm việc ở các Sở GD-ĐT còn thẳng thắn “càng công bố con số đẹp càng xấu hổ”.

Dư luận càng trở nên bức xúc khi thông tin lùm xùm về việc các tỉnh ĐBSCL “bắt tay” nhau chấm thi để có kết quả cao hơn bị rò rỉ. Nhiều giáo viên chấm thi ở ĐBSCL đã khẳng định, họ đã buộc phải “chấm giả” để tạo cho học sinh một kết quả đẹp. Nói cách khác, hướng dẫn chấm mở toang, thí sinh chỉ viết vu vơ vẫn có điểm. Kết luận cuối cùng về vụ việc này vẫn đang được Bộ GD-ĐT xác minh để trả lời rõ cho công luận có hay không việc các tỉnh ĐBSCL “bắt tay” nhau để chấm điểm vô tư. Nhưng có một sự thật là nhiều giáo viên ở khu vực này cho biết họ không vui.

Tại sao lại có chuyện “đẹp mà không vui” như vậy? Đây không phải là lần đầu tiên xã hội tỏ ý nghi ngờ “thành tích” của ngành giáo dục. Còn nhớ năm trước, với kết quả đậu tốt nghiệp cao (phần lớn đều đạt tỷ lệ trên 90%) điều đó đã gây ra một sự  hoài nghi lớn từ dư luận rằng có đúng con em chúng ta đã học giỏi đến mức đó không. Năm nay, những kết quả quá “ấn tượng” của kỳ thi tốt nghiệp tiếp tục khiến xã hội có nhiều tranh cãi. Người mừng vui, kẻ hoài nghi. Nhiều ý kiến cho rằng không nên quá khắt khe với điều đó, vì tấm bằng tốt nghiệp THPT chỉ là giấy thông hành để học sinh bước vào đời. Các em học xong 12 năm cũng nên để có tấm bằng tốt nghiệp.

Nhưng đa phần các ý kiến lại bức xúc với thực tế thi cử hiện nay. Nhiều người đã thẳng thắn nhận định: kết quả tốt nghiệp “đẹp như mơ” là hệ quả của đề dễ, coi thi dễ, chấm thi thoáng.

Chính từ sự hoài nghi này, không ít chuyên gia giáo dục, giáo viên và phụ huynh học sinh cho rằng, ngành giáo dục nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, tập trung tổ chức kỳ thi đại học tốt, thực chất; phân loại rõ trình độ khả năng của từng thí sinh, có như vậy mới có kế hoạch đào tạo tốt ở bậc học cao hơn. Nếu không, đây sẽ là sự lãng phí, có nguy cơ tụt hậu, và ngay cả việc giáo dục nhân cách học sinh cũng bị ảnh hưởng. Đề xuất này không phải không có lý khi năm nào xã hội cũng phải chứng kiến một kỳ thi tốt nghiệp THPT cực kỳ ồn ào và tốn kém, nhưng chỉ để công nhận học sinh hoàn thành chương trình phổ thông (mà thực chất là chương trình lớp 12 vì đa phần đề thi nằm ở chương trình lớp 12). Trong khi đó, nếu tỷ lệ tốt nghiệp mỗi năm một tăng, đến một lúc nào đó, tỷ lệ này sẽ là 100% cho cả nước, như vậy còn tổ chức thi để làm gì?

Trao đổi với PV Báo SGGP, GS Nguyễn Lân Dũng cũng tỏ ra bức xúc với kết quả thi tốt nghiệp này. Ông cho rằng tất cả là vì chúng ta đang hiểu quá sai mục tiêu của giáo dục. “Giáo dục là để đào tạo con người, trước hết là có tư cách nhưng với cách thi cử như hiện nay, chúng ta đang hạ thấp tư cách học sinh”, GS Dũng thẳng thắn. Theo ông, không nên coi tỷ lệ tốt nghiệp là tiêu chuẩn thi đua, tỉnh này ganh đua với tỉnh kia mà phải coi tốt nghiệp là cả một quá trình đánh giá qua từng lớp học. “Thi cử thế này sẽ gây ảo tưởng cho phụ huynh và học sinh. Cha mẹ sẽ nghĩ là con mình học giỏi; học sinh cũng nghĩ là mình giỏi, cuối cùng sẽ vô cùng nguy hiểm cho xã hội”, GS Dũng nhận định. Trong khi đó, cũng với những thí sinh đó, kết quả thi đại học lại nhiều trái ngược.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, thi tốt nghiệp THPT không nhằm mục đích đánh trượt các thí sinh mà nhằm đánh giá mặt bằng giáo dục của các địa phương và sự phấn đấu của học sinh. Từ đó, bộ sẽ có những điều chỉnh trong việc quản lý, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ dạy và học. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức cấp quốc gia là một việc làm cần thiết; kỳ thi này cũng được quy định trong Luật Giáo dục. Nhưng phải chăng, không nhất thiết phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tầm quốc gia chỉ để biết tỷ lệ học sinh bị trượt là không đáng kể. Nếu để đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương thì kết quả thi ĐH-CĐ sẽ là thước đo chính xác nhất. Thiết nghĩ ngành GD-ĐT cần có câu trả lời thỏa đáng.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục