Mấy ngày qua, dư luận đang xôn xao trước trường hợp một giáo viên lớp 4 Trường Tiểu học Phan Huy Thực (quận 7) đánh học sinh gãy kín xương cánh tay trái, phải bó bột và đeo vai cố định trong suốt thời gian dài chỉ vì cậu học trò quên mang sách Toán và không giải được bài tập. Song, điều đáng nói ở đây ngay trong ngày xảy ra sự việc, đích thân cô hiệu trưởng cùng ban giám hiệu đã đến tận nhà phụ huynh xin lỗi vào lúc… 22 giờ đêm. Bên cạnh đó, đây cũng là trường hợp giáo viên “bạo hành” học trò đầu tiên mà 24 giờ sau khi xảy ra vụ việc, cả giáo viên lẫn học sinh đều phải nhập viện. Trò vì điều trị vết thương nhập viện đã đành, riêng giáo viên cũng vì quá áp lực, hối hận về những gì đã làm nên sau khi đến nhà học sinh nhận lỗi, chính cô cũng phải vào bệnh viện điều trị vì có biểu hiện suy sụp tinh thần. Thông tin từ Trường Tiểu học Phan Huy Thực cho biết, cô giáo Trần Thị Thanh Nga - giáo viên chủ nhiệm lớp 4D, người vừa có hành vi bạo lực trong câu chuyện nói trên, vẫn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Trãi.
Qua đó cho thấy, bản thân cô Nga và ban giám hiệu đều nhìn nhận được tính chất nghiêm trọng của hành vi bạo lực. Song, cách mà họ gặp gỡ gia đình học sinh để thừa nhận lỗi lại khiến dư luận chưa thể an lòng. Thứ nhất, trong tường thuật với báo chí, ông Dương Phát Đạt, phụ huynh em Dương Văn Thắng Lợi, nạn nhân của vụ bạo hành nói trên, cho biết: “Khoảng 22 - 23 giờ đêm 11-2, cô hiệu trưởng đã dẫn đoàn giáo viên đến tận nhà tôi xin lỗi và mong gia đình bỏ qua sự việc, đừng làm lớn chuyện ảnh hưởng đến uy tín nhà trường”. Như vậy, mục tiêu cốt lõi của hành động “chân thành nhận lỗi” là mong sự việc không gây ảnh hưởng đến “uy tín nhà trường”. Đành rằng hành vi phạm lỗi là do cá nhân một giáo viên gây ra, nhưng điều lãnh đạo ngôi trường ấy quan tâm hơn cả là sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của tập thể như thế nào. Thứ hai, mặc dù không ai nói ra nhưng sau sự việc cô Nga phải nhập viện để điều trị tinh thần, người ta có thể hình dung về áp lực vô hình mà cô đang gánh chịu.
Sự cố nghề nghiệp là điều không ai muốn nhưng sau khi xảy ra sự việc, nhiều người đã đặt câu hỏi về vai trò của tổ nghiệp vụ sư phạm trong nhà trường. Bản thân cô Nga là giáo viên trẻ, vừa kết thúc thời gian thử việc và được ký hợp đồng lao động. Hành vi bộc phát vào một phút nóng giận có thể được lý giải bằng sự thiếu kinh nghiệm và non nớt trong hành vi ứng xử. Song cái cách mà cô đối mặt và xử lý lỗi do mình gây ra còn thể hiện sự thiếu bản lĩnh, đơn độc trong giải pháp khắc phục vấn đề. Trong tình huống đó, giá như có sự tư vấn, hỗ trợ thêm cả về mặt tinh thần lẫn kinh nghiệm ứng xử của các đồng nghiệp đi trước, tin chắc rằng cô Nga sẽ bình tĩnh và có cách chuộc lỗi tốt hơn.
Bạo hành là vấn nạn chung đã xảy ra nhiều tại các trường học trên phạm vi cả nước. Song điều dư luận quan tâm không phải là các hình thức kỷ luật dựa trên những khung bậc, quy định xét xử nào đó của các cơ quan có thẩm quyền. Thay vào đó chính là sự hối hận và biện pháp khắc phục lỗi lầm của bản thân người giáo viên đã gây ra hành vi sai trái đó. Giúp giáo viên trưởng thành hơn từ những vấp ngã, đó mới chính là những gì ngành giáo dục cần hướng đến, chứ không đơn giản chỉ là một sự ăn năn!
THANH THU