Không để các em thất học

Không bị chối từ
Không để các em thất học

Vốn thiếu thốn tinh thần và thua thiệt về vật chất nhưng nhiều trẻ em tạm trú có hoàn cảnh khó khăn ở TPHCM đã không bị bỏ rơi khi nhiều cổng trường đã rộng mở, đón nhận.

Niềm vui của học sinh tạm trú trên địa bàn quận 8.

Niềm vui của học sinh tạm trú trên địa bàn quận 8.

Không bị chối từ

“Nội ơi, sao con học hoài mà vẫn không được học bổng? Hắn hỏi mà tôi không biết trả lời sao…” - ông Hồ Trung Nghĩa (65 tuổi, tạm trú 994B/18/4 Huỳnh Tấn Phát, quận 7), ông nội của bé Hồ Trung Hậu (13 tuổi, học lớp 4/1), gượng gạo thuật lại câu hỏi của cháu nội trong buổi họp phụ huynh. Rồi ông Nghĩa phân trần, gia đình không nhà không cửa. Mẹ Hậu đau yếu, ở nhờ quê ngoại, cha Hậu phải làm lụng gần đó đặng chăm sóc vợ. Còn Hậu từ nhỏ đã cùng ông bà nội bán vé số và sinh sống trong căn nhà tạm bợ thuê ở quận 7. Gần 9 tuổi, Hậu vẫn chưa được đi học vì gia đình không có hộ khẩu, không có KT3, lại quá nghèo. Hậu mỗi ngày mỗi lớn, ông bà càng canh cánh nỗi lo măng không uốn, tre trổ vồng. Tưởng không còn gõ cửa được trường học nào thì có người hàng xóm mách nước xin vào Trường Tiểu học vừa học vừa làm 1-6 trên đường Tôn Thất Thuyết, quận 4. Và hạnh phúc đã mỉm cười: Hậu được nhận vào học, được miễn học phí và được hỗ trợ thêm dụng cụ học tập.

Thỏa cơn khát chữ, Hậu học rất chăm chỉ và sáng dạ. 3 năm liền, Hậu đều là học sinh giỏi. Sau khi hắn thắc mắc, ông bà mới vỡ lẽ hắn đã có “ý đồ” từ trước - muốn học thật giỏi để giúp bà, trước mắt rinh được suất học bổng (khoảng 500.000-700.000 đồng/năm học), san sẻ phần nào cảnh thiếu trước hụt sau của gia đình. Sang lớp 4, Hậu vừa được tặng học bổng, vừa được tặng thẻ bảo hiểm y tế. Thấy cổng trường rộng mở, năm học 2012-2013, ông Nghĩa lại gửi thêm cháu Hồ Trung Hiếu (12 tuổi, em trai Hậu) đến trường theo học.

Hai bé Hồ Trung Hiếu và Hồ Trung Hậu học bài ở nhà trong sự phấn khởi của ông bà nội.

Hai bé Hồ Trung Hiếu và Hồ Trung Hậu học bài ở nhà trong sự phấn khởi của ông bà nội.

Cùng chăm lo thế hệ trẻ

Bé Nguyễn Ngọc Ngân (10 tuổi, tạm trú tại 480/30/31A Bình Quới, quận Bình Thạnh), cũng theo học miễn phí ở Trường Tiểu học vừa học vừa làm 1-6 từ lớp 1 và đang học lớp 4/2. “Bể học khôn cùng, nếu không được chăm lo nhiều như thế thì những em bé mồ côi cả cha lẫn mẹ như Ngân chắc khó có điều kiện đeo đuổi việc học rồi” - bà Đào Thị Thủy (bà ngoại của em Ngân), xúc động.

Cô Phạm Thị Kim Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học vừa học vừa làm 1-6, cho biết, trường có hơn 170 em học sinh (từ 6 đến 15 tuổi) hoàn cảnh khó khăn đang theo học. Ngoài chế độ chung không phải đóng học phí, nhà trường còn vận động mạnh thường quân tặng học bổng, dụng cụ học tập, bảo hiểm y tế… cho các em. Trường  vận động các em nuôi heo đất, mỗi tuần mỗi em tiết kiệm 500 - 1.000 đồng, cuối năm “mổ heo” cũng mua được khoảng 20 bộ sách giáo khoa.

Trong khi đó, trẻ em nghèo tạm trú ở quận 8 có thể theo học các lớp xóa mù, phổ cập buổi tối tại các cơ sở giáo dục tiểu học, trung học trong quận. Tại Trường Trung học cơ sở Hưng Phú A, cùng với 1 trợ giảng trực tiếp kèm cặp 4 em nhỏ (từ 6-13 tuổi) không có hộ khẩu, không có giấy khai sinh, đang tạm trú ở phường 9, quận 8, cô Nguyễn Thị Ngọc Nga cho biết, ban đầu phải vận động hoài các em mới ra lớp. Toàn bộ chi phí học tập được miễn, dụng cụ học tập được tặng. Thậm chí, những ngày đầu lớp 1, để các em đến trường đều đặn, đoàn viên phường 9 còn đến tận nhà đưa đón các em đi học. Hiện trường cũng phối hợp với chính quyền để sớm làm giấy khai sinh cho các em. “Vì bất cứ lý do gì, để các em thất học là có tội lớn. Dù gian nan hơn những em bình thường nhưng mong rằng khi chúng ta cùng chăm lo, bù đắp cho các bé, những mầm non sẽ sớm cứng cáp, giúp ích cho đời” - cô Nga mong mỏi.

Đường Loan

Tin cùng chuyên mục