Không để cái xấu, cái ác lộng hành

Đã phạm pháp thì không thể xem là chuyện nhỏ
Không để cái xấu, cái ác lộng hành

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong nhân dân. Trong số những góp ý của người dân gửi đến Báo SGGP, có nhiều ý kiến tập trung phân tích chỉ ra một số bất cập trong Bộ luật Hình sự hiện hành khiến chưa đủ hiệu lực ngăn chặn cái xấu, cái ác lộng hành.

Để chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, phải kiên quyết trong việc xử lý, nên khó tránh khỏi va chạm với người vi phạm.

Đã phạm pháp thì không thể xem là chuyện nhỏ

Nhiều ý kiến phân tích: Nhiều năm qua, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển rộng khắp các tỉnh - thành, nhiều người dân đã bất chấp hiểm nguy, tham gia ngăn chặn, bắt giữ tội phạm. Tuy nhiên, để bắt được tội phạm khá khó khăn, mà để xử lý được cũng không đơn giản. Ông Nguyễn Thành Tân (ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết: “Nhà tôi có chiếc xe tải nhỏ nên kiếm sống bằng việc chở hàng vật liệu xây dựng. Khổ nỗi, thời gian gần đây, số hàng chuyên chở thường bị mất cắp khi vận chuyển. Do vậy, tôi và anh em trong gia đình đã dành nhiều thời gian mật phục để bắt kẻ trộm. Mới đây, chúng tôi rất mừng khi bắt quả tang kẻ trộm hàng hóa của mình và đã đưa tên trộm về cơ quan công an. Tuy nhiên, buổi chiều bắt thì buổi tối đã thấy nó được thả về, cả nhà lo sợ nó dẫn đồng bọn đến trả thù”. Tương tự, ông Nguyễn Minh Hùng (ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM) kể: “Tôi có một số phòng trọ cho sinh viên, công nhân thuê mướn. Lúc trước, khu vực phòng trọ của tôi hay xảy ra tình trạng ăn cắp vặt ĐTDĐ hay xe đạp. Vật bị mất không có giá trị cao, chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng với người nghèo thì đó lại là tài sản rất quý, những người lao động và sinh viên tỉnh xa phải chắt chiu dành dụm mới có được. Thế nên chúng tôi quyết phục bắt cho bằng được kẻ trộm. Thế nhưng, khi bắt được và giải giao cho công an địa phương thì chỉ vài tiếng đồng hồ sau lại thấy nó trở về, nhìn mọi người với vẻ mặt khinh khỉnh, thách thức”.

Trả lời PV về các trường hợp nêu trên, một số lãnh đạo công an địa phương, cho biết: “Theo luật định, với tang vật trị giá dưới 2 triệu đồng, chúng tôi chỉ có thể dừng lại ở mức lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, mà không thể chuyển qua xử lý hình sự. Lẽ ra, đã là hành vi phạm pháp thì không nên xem là chuyện nhỏ”. Liên quan vấn đề này, trung tá Trần Hữu Thành, Trưởng Công an phường Cầu Ông Lãnh (quận 1), góp ý: “Tôi hy vọng lần này sẽ có nhiều sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng quy định thật chi tiết, phân khúc hành vi trộm cắp, cướp giật. Chúng ta không nên chỉ quy định xử lý hình sự đối với tang vật có giá trị trên 2 triệu đồng, mà cần quy định tài sản trị giá 500.000 đồng thì xử lý cách nào, trên 1 triệu đồng, hay trên 1,5 triệu đồng thì xử lý ra sao. Có thể chúng ta không xử lý hình sự, nhưng cần vận dụng các hình thức xử phạt khác, như quản chế, giáo dục, kiểm điểm tại địa phương, buộc lao động công ích… để xử lý hành vi trộm cắp với tang vật có giá trị thấp. Việc này luật quy định rồi, nhưng chưa thấy thực hiện!”.

Bị xúc phạm còn đau hơn bị hành hung

Bảo vệ dân phố là một trong những lực lượng được chính quyền địa phương giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở, khu dân cư. Tuy nhiên, do chỉ mang tính quần chúng và không có công cụ hỗ trợ, nhiều lúc xảy ra vụ việc đánh nhau, tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng…, lực lượng bảo vệ dân phố rất khó thực hiện nhiệm vụ của mình. Ông Lý Nhơn Thành, Trưởng ban Bảo vệ dân phố phường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TPHCM), than: “Nhiều đối tượng hay say xỉn, gây rối trật tự công cộng, khi uống rượu say lại đi ngang qua địa bàn phường la hét, chửi bới. Chúng tôi vận động, thuyết phục, họ không nghe mà còn lớn tiếng lăng mạ. Chúng tôi phải rất kiềm chế, trong khi đây rõ ràng là hành vi chống người thi hành công vụ”.

TPHCM đang tập trung chấn chỉnh trật tự lòng lề đường. Thực tế cho thấy  đây là một trong những công tác khó khăn, cực nhọc của chính quyền địa phương, công an và các ban ngành, đoàn thể tại địa phương. Dù trước khi chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, chính quyền địa phương đều tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không vi phạm, nhưng lần ra quân nào cũng phát hiện vi phạm. Trung tá Trần Hữu Thành, Trưởng Công an phường Cầu Ông Lãnh (quận 1, TPHCM), giãi bày: “Để chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, chúng tôi phải thật kiên quyết trong xử lý. Mà như vậy thì không thể nào tránh khỏi va chạm với người dân. Không ít lần anh em chúng tôi bị các tiểu thương, người mua gánh bán bưng… mắng chửi. Mình phải thật tỉnh táo để tránh không phải đối đầu, tranh luận ngoài đường… gây hình ảnh không đẹp về lực lượng thi hành công vụ. Bộ luật Hình sự hiện hành có nhiều quy định rất chặt và cụ thể về việc tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Nhưng theo quy định, khi công an bắt quả tang kẻ cướp giật, bắt buộc phải có người dân làm chứng, biên bản làm chứng. Trong khi đó, quy định về hành vi chống người thi hành công vụ lại chung chung, không chặt chẽ. Nhiều khi người thi hành công vụ bị xúc phạm, bị chửi bới thô tục, còn đau hơn bị hành hung. Pháp luật cần quy định xử lý nghiêm hành vi lăng mạ, chửi bới, đe dọa người thi hành công vụ, vì đây cũng là chống người thi hành công vụ”.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục