Không để “hứa treo”

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI đã khai mạc từ ngày 17-10-2006. Từ mấy năm nay, mỗi kỳ họp như vậy thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là giới nghỉ hưu.

Có thể nói, lớp người cao tuổi chúng tôi không bỏ sót một buổi truyền hình trực tiếp nào từ trụ sở Quốc hội: xem cá nhân có, rủ nhau xem tập thể có, và sau đó là những buổi bình luận, bàn tán khá sôi nổi. Sự quan tâm tập trung nhiều nhất là những buổi các đại biểu Quốc hội chất vấn các bộ trưởng trong chính phủ, và những vị bộ trưởng này trả lời. Có thể coi đây là một trong những cải tiến rất đáng biểu dương của Quốc hội, tạo điều kiện tốt nhất thực thi quyền dân chủ của người dân, rất đúng với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tuy nhiên, điều băn khoăn của nhiều người là việc trả lời chất vấn của các vị bộ trưởng còn “hơi bị” hình thức: bộ trưởng đọc một bài viết sẵn, nội dung chủ yếu là kể công trạng, thành tích của bộ mình, tiếp thu, hứa hẹn và coi như xong phần “trả bài”. Những lời hứa đó xong rồi... để đó, và kỳ họp sau lại tiếp tục... hứa!

Nghe nói Ban Dân nguyện và Văn phòng Quốc hội đã có một cải cách mạnh dạn: in và phát cho các ĐBQH một bản thống kê những lời hứa từ khóa họp trước của từng vị bộ trưởng, và yêu cầu từng bộ trưởng “ôn bài”, xem đã thực hiện lời hứa đó ra sao. Khóa họp thứ 10 lần này mới bắt đầu được ít hôm, chưa đến phần trả lời chất vấn, nên chúng tôi xin kiến nghị đôi điều như thế này được hay không:

- Văn phòng QH, Ban Dân nguyện của QH cho công bố công khai những lời hứa này trên các phương tiện truyền thông. Chỉ cần tóm tắt thôi: ông bộ trưởng này đã hứa tại khóa họp trước thế này, ông bộ trưởng nọ đã tiếp thu và hứa thế nọ..., cho đăng trên báo in, báo điện tử. Dân ngồi xem TV, thấy ông ấy hứa ngon lành, nên phấn khởi và... không ghi lại. Nay lại thấy tái diễn những ý kiến đó, lời hứa đó... từ khóa họp này sang khóa họp khác, xem ra thấy không ổn.

- Xin Chủ tịch và các Phó Chủ tịch QH điều khiển khóa họp công bố cho một hạn định: các bộ trưởng cam kết thực hiện lời hứa này vào tháng nào, năm nào, lời hứa ở khóa họp trước đã được giải quyết đến đâu, tại sao chưa thực hiện, lý do?

Trong 4 khâu của phương châm mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, 3 khâu sau phụ thuộc rất nhiều vào khâu thứ nhất “dân biết”. Đã không biết thì làm sao để “bàn”, để “làm” và để “kiểm tra” ? Bấy nay, dân đã khổ về những “dự án treo”, “quy hoạch treo”, nay xin đừng thêm những lời “hứa treo” nữa!

NGUYỄN LÊ BÁCH