Viết theo kiểu nghịch ngợm, viết tắt, dùng tiếng lóng, lai căng, pha tạp là hiện tượng phổ biến trên mạng, tin nhắn, và nay đã xuất hiện ngay cả trong các bài kiểm tra của học sinh, trong sổ công tác của nhân viên văn phòng, có khi còn lọt dăm ba chữ trên văn bản báo cáo. Quan tâm việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bạn đọc đã góp ý về việc này.
- Loạn “ngôn ngữ chat”
“Pà kon ạ, thik wa! Hum ni, 1 fan twng hoa jo min nen thay zui zui”. Thoạt đọc, nhiều người kinh ngạc vì không hiểu thứ tiếng Việt lai căng này nói gì. Nghĩa của câu trên là “Bà con ạ, thích quá! Hôm nay, một người hâm mộ tặng hoa cho mình nên thấy vui vui”. Đó là “ngôn ngữ chat”, đã và đang thịnh hành trên mạng, được giới trẻ sử dụng phổ biến hiện nay. Hiện tượng này xuất phát từ nhu cầu muốn thể hiện cái tôi và chứng tỏ mình là “dân sành điệu”, trẻ trung, năng động hội nhập với thế giới mạng!
Chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu về “ngôn ngữ chat”, chỉ biết ngôn ngữ này ngày càng phong phú và... quái dị! Đặc biệt, ở đối tượng tuổi mới lớn, đã lên mạng chat hay Facebook mà vẫn sử dụng ngôn ngữ chính thống, liền bị coi là “tay mơ”! Thế nên ngay khi mới tập tành chát chít, các bạn trẻ đã phải cố gắng để thể hiện “vài đường cơ bản”. Đây là một dạng viết phiên âm tiếng Việt nhưng… “biến thái” theo kiểu nghịch ngợm, viết tắt, dùng tiếng lóng, lai căng, pha tạp, chêm tiếng Anh vào như là cách để thể hiện “đẳng cấp” và khả năng ngoại ngữ.
Thí dụ khi chào hỏi, thay vì viết là “Xin chào!”, mà phải là “2!” (Hi! - xin chào). Nếu được chào trước, bạn có thể chào lại là “3!”. Tuy “3!” chẳng có nghĩa chào hỏi gì cả nhưng “dân mạng” ngầm hiểu đó là một lời chào lại! Bạn phải nắm một số “từ vựng cơ bản” như: iu (yêu), dìa (về) rùi (rồi), bih (bây giờ), đâu gòi (đâu rồi), chìu (chiều), dị (vậy), ù (ừ), mừ (mà), bít (biết), bùn (buồn), hic hic (thể hiện trạng thái buồn), ha ha (thể hiện trạng thái vui)... Khi muốn chia tay, cách thông thường được sử dụng là “BB” (Bye bye - tạm biệt)…
Bất cứ thứ tiếng lóng nào cũng có những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến tiếng Việt, vì sức ảnh hưởng của ngôn ngữ chat đang ngày càng trở nên mạnh, vì thế không thể không lo ngại sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Với sự đề kháng, chọn lọc, cộng đồng xã hội sẽ đào thải những gì không phù hợp, vì khi trưởng thành, các bạn trẻ sẽ tham gia vào các hệ thống sản xuất trong xã hội, ở đó hệ công cụ giao tiếp ngày càng được chuẩn hóa, sẽ được dạy cách viết và nói cho đúng chuẩn để người khác nghe và hiểu, chứ không phải nói cho sướng miệng, gây sốc và phải suy đoán mới hiểu.
Tuy nhiên, thực tế, có những điều ban đầu tưởng chừng như vô hại, nhưng trong quá trình chuyển hóa sẽ dần dần ăn sâu vào tiềm thức và sẽ rất khó sửa chữa. Do vậy rất cần có sự quan tâm uốn nắn từ gia đình và xã hội đối với việc sử dụng ngôn ngữ của các thanh thiếu niên.
Nguyễn Hoàng Duy (Quận 5, TPHCM)
- Cách viết chưa chuẩn mực
Thời gian gần đây, trên các bảng quảng cáo, bán hàng trưng ra ngoài đường thường sử dụng ký hiệu k để hiểu là 1.000 đồng. Thí dụ như: 1 cái áo thun nam giá 70k. Theo một số người lý giải cho rằng: k được hiểu là 1.000 đơn vị, như 1km là 1.000m hoặc 1kg là 1.000g. Ban đầu việc gọi 1k = 1.000 đồng chỉ xuất hiện trên mạng, khi giới trẻ chat với nhau, hay trao đổi mua bán qua mạng. Nhưng rồi gần đây, rất nhiều nơi niêm yết giá bán hàng đã dùng cách ghi chữ k để bỏ đi ngàn đồng trong giá trị tiền đồng.
Mới đây, tôi đi liên hệ lắp điện thoại mới tại điểm giao dịch của Công ty Điện thoại TPHCM ở quận Gò Vấp. Cô nhân viên đưa cho khách hàng bảng giá 3 gói cước dịch vụ cho điện thoại để bàn ghi là 99k gồm một số dịch vụ kèm theo. Khi được hỏi 99k là gì, cô nhân viên cho biết đó là 99.000 đồng.
Qua đó, cho thấy một cách gọi, cách viết không chuẩn mực lại được ngay cả đơn vị nhà nước sử dụng một cách dễ dãi. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, cùng với sự biến đổi của thời gian, đời sống xã hội, ngôn ngữ tất yếu cũng có sự thay đổi. Việc một bộ phận giới trẻ có những “sáng tạo” riêng khi sử dụng ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp để việc giao tiếp sinh động hơn cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cách gọi như 100.000 đồng = 100k là không ổn chút nào.
Bởi lẽ, khi muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, những từ nào chúng ta có thì chúng ta sử dụng, nếu chưa có, chúng ta sẽ học hỏi phát triển có chọn lọc, không nên cứ tự tiện dùng như vậy, vừa dễ dãi vừa sai là không gọi đúng giá trị tiền đồng Việt Nam.
Lê Tăng Định (Gò Vấp, TPHCM)