Theo Báo cáo giải trình tiếp thu do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết, đa số ý kiến đề nghị giữ hình thức tố cáo như luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để bảo đảm tính khả thi. Đây là một trong những vấn đề đã có sự tranh luận sôi nổi trên nghị trường khi thảo luận về dự án luật.
“Một số ý kiến đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, tin nhắn điện thoại… Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giữ hình thức tố cáo như luật hiện hành. Đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức nêu trên, nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật”, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giải trình thêm.
Nội dung này đã được các ĐBQH biểu quyết riêng, với tỷ lệ tán thành đạt 92,20% trên tổng số ĐBQH. Chỉ có 9 ĐBQH không tán thành.
Về rút tố cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc tố cáo và rút tố cáo là quyền của cá nhân người tố cáo, được pháp luật bảo đảm. Tuy nhiên, để chặt chẽ trong quy định về rút tố cáo, tránh việc rút tố cáo do bị dụ dỗ, mua chuộc, ép buộc hoặc rút tố cáo để trốn tránh trách nhiệm do cố ý tố cáo sai sự thật, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân như ý kiến đại biểu nêu, dự thảo luật đã quy định cụ thể điều kiện, yêu cầu của việc rút tố cáo, trách nhiệm giải quyết tố cáo khi hành vi bị tố cáo vẫn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, việc xử lý hành vi cố ý tố cáo sai sự thật kể cả trong trường hợp rút tố cáo.
Đáng lưu ý, về bảo vệ người tố cáo, ông Nguyễn Khắc Định cho biết, Điều 47 của Dự thảo Luật Tố cáo đã xác định đối tượng được bảo vệ theo hướng làm rõ phạm vi “người thân thích của người tố cáo” trong quy định của luật hiện hành. Quy định này vừa kế thừa luật hiện hành, vừa bảo đảm tính cụ thể, chặt chẽ của điều luật, đồng thời tập trung nguồn lực cho công tác bảo vệ, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu giải quyết tố cáo. Đối với các đối tượng khác, pháp luật hiện hành vẫn có đủ cơ chế để bảo vệ khi quyền, lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm.
Giải thích thêm về đề nghị bổ sung quy định về bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú, ông Nguyễn Khắc Định nói, việc xác định nội dung bảo vệ tại Chương VI là căn cứ vào các quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ mà không phụ thuộc vào địa điểm cần bảo vệ. Dự thảo Luật Tố cáo được chỉnh lý theo hướng không quy định về địa điểm bảo vệ.
Nội dung này đã nhận được sự tán thành của 93,84% trên tổng số ĐBQH.