Không nên hạn chế quyền làm việc của lao động chưa qua đào tạo

Mới đây, Bộ LĐTB-XH ban hành dự thảo Thông tư Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo (gọi tắt Dự thảo) để lấy ý kiến đóng góp. 

Theo Dự thảo, có 3 danh mục ngành nghề mà doanh nghiệp sử dụng lao động phải qua đào tạo. Danh mục 1 gồm 68 ngành, nghề được áp dụng từ ngày 1-1-2022, là những ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 

Danh mục 2 bao gồm 90 ngành, nghề sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2023, là những ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số ngành nghề liên quan đến sức khỏe, các dịch vụ liên quan đến phục vụ con người, các ngành nghề quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội (các nghề trọng điểm ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế). Đối với những ngành nghề còn lại sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1-1-2024. 

Theo Bộ LĐTB-XH, hiện nay ở những nghề, công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nếu người lao động không được đào tạo bài bản thì nguy cơ xảy ra tai nạn lao động rất lớn, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và không bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong môi trường lao động khó khăn, vất vả. Đó là chưa kể, việc sử dụng lao động chưa qua đào tạo dẫn đến hệ quả là năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng của cả nền kinh tế nói chung còn chưa cao, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, người lao động không được bảo vệ thỏa đáng do không có chứng nhận, công nhận về trình độ và những rủi ro cho người lao động như an toàn lao động (do thiếu kỹ năng lao động), bị trả lương thấp, bị sa thải bất cứ lúc nào khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ…

Có một thực tế hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà rất nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp chuyên về xây dựng vẫn sử dụng một lực lượng lớn là lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo tay nghề. Thậm chí, có nhiều công trình đưa vào thi công, xây dựng, ngoài việc tuyển dụng lao động đã qua đào tạo tay nghề bài bản để làm những công việc bắt buộc phải có chứng chỉ, chứng nhận nghề như sửa chữa điện công trình, hàn điện, hàn hơi… thì vẫn tuyển dụng trên 80% người lao động chưa qua đào tạo. 

Lực lượng lớn lao động phổ thông vẫn được xem là “linh hồn” trong rất nhiều doanh nghiệp hiện nay. “Nghề đào tạo nghề”, trước khi được tuyển dụng vào làm việc, 100% người lao động bắt buộc phải qua đào tạo, huấn luyện về an toàn lao động cũng như kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề có liên quan đến công việc, sau đó sẽ được cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ, chứng nhận đã qua huấn luyện, đào tạo. Bên cạnh đó, sau khi được tuyển dụng vào làm việc, thường thì sau một thời gian nhất định (6 tháng hay một năm) bản thân người lao động đã quen việc và có kỹ năng nghề nghiệp, vài ba năm sau coi như người lao động đã “lành nghề”, có nhiều kinh nghiệm trong nghề. Ngoài ra, mỗi năm doanh nghiệp cũng thường xuyên tổ chức huấn luyện định kỳ, đào tạo chuyên môn, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động. Do đó, việc Dự thảo quy định thời gian tới phải tuyển dụng người lao động có tay nghề hay qua đào tạo và có chứng chỉ, chứng nhận không chỉ làm “khó” rất nhiều doanh nghiệp mà còn vô hình trung tước mất quyền làm việc, quyền được lao động của nhóm lao động phổ thông. 

Thiết nghĩ, các bộ ngành, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét và đánh giá thấu đáo, toàn diện đối với dự thảo thông tư, danh mục các ngành nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo để đảm bảo thuận tiện trong việc tuyển dụng một lực lượng lớn lao động phổ thông, lao động chưa được đào tạo tay nghề để vào làm việc trong doanh nghiệp như hiện nay cũng như đảm bảo quyền được lao động, quyền được làm việc của lực lượng lao động phổ thông trong các đơn vị, doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục