Chưa hài lòng về việc xác định trách nhiệm của cơ quan nhà nước (có trách nhiệm người đứng đầu) trong việc quyết định đầu tư, phê duyệt dự toán, chỉ định thầu, nghiệm thu các dự án BOT giao thông không đúng quy định… gây thất thoát ngân sách nhà nước, cử tri nhiều tỉnh thành yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải làm rõ vấn đề này.
Tại công văn số 879/2018/BGTVT-ĐTCT, Bộ Giao thông Vận tải trả lời, sau hơn 5 năm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ này đã hoàn thành nhiều dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và BT với quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu đầu tư chung của ngành, nhất là trong điều kiện Nhà nước còn nhiều khó khăn, với nhiều áp lực về nợ công.
Cho tới nay, nhiều tuyến quốc lộ đã được nâng cấp, mở rộng; hình thành nhiều tuyến cao tốc đạt tiêu chuẩn quốc tế... cải thiện đáng kể điều kiện đi lại, từng bước đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng của người dân và góp phần đổi mới, hoàn thiện bức tranh hạ tầng giao thông vận tải tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ này thừa nhận rằng, bên cạnh những mặt được, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT cũng bộc lộ nhiều tồn tại về cơ chế chính sách và công tác quản lý nhà nước trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư BOT chưa hoàn thiện và đồng bộ, một số quy định chưa phù hợp thực tế và thông lệ quốc tế. Quá trình xây dựng văn bản pháp luật điều chỉnh hình thức BOT chưa lường hết được các tác động đối với người sử dụng đường. Việc đầu tư cải tạo, mở rộng và hiện đại hóa các công trình hiện có là lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích đầu tư và cơ bản các dự án đều được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi có ý kiến đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, việc cải tạo, mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông hiện có làm người dân đang được sử dụng đường bộ không phải trả phí sẽ phải trả phí, không còn sự lựa chọn miễn phí, gây ra tác động nhất định.
Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm định, tính toán phương án tài chính và phê duyệt dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn một số nội dung chưa hợp lý, còn tồn tại một số sai sót. Tương tự, việc lựa chọn nhà đầu tư cũng còn bất cập, các dự án cơ bản áp dụng hình thức chỉ định thầu. Mặc dù việc chỉ định thầu được thực hiện theo quy định pháp luật nhưng hình thức này còn thiếu sự cạnh tranh và có dư luận cho rằng còn thiếu minh bạch…
Công tác lựa chọn vị trí đặt trạm thu giá và chính sách giá tại một số dự án cũng còn bất cập nên chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Chưa có giải pháp hiệu quả để quản lý nguồn thu của các trạm thu giá, còn có ý kiến cho rằng có hiện tượng gian lận trong thu giá…
Khẳng định đã chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ này cho biết: “Tại kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán và đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều khẳng định tính đúng đắn của chủ trương kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư trong điều kiện nguồn lực ngân sách hạn hẹp, chỉ ra một số tồn tại trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án BOT trong thời gian vừa qua nhưng không phát hiện có tham nhũng, lãng phí hoặc sai phạm trong quyết định chủ trương đầu tư, vị trí trạm thu”.
Vẫn theo công văn trả lời nêu trên, đối với các tồn tại sai sót thuộc chủ quan, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm và đã cập nhật điều chỉnh các sai sót theo ý kiến kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các tập thể, cá nhân có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý.