Không quá lo lắng về chất lượng trái cây nhập khẩu

Mặc dù hệ thống kiểm dịch ngày càng được đầu tư mạnh và tăng cường hơn tại các cửa khẩu, rau củ quả ngoại nhập lậu cũng đã kiểm soát giảm thiểu, nhưng gần đây người tiêu dùng lại lo lắng khi phát hiện trái cây chín để cả tháng mà không hư hoại, sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng được báo động. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng (ảnh), Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) để làm rõ thêm vấn đề này.
Không quá lo lắng về chất lượng trái cây nhập khẩu

Mặc dù hệ thống kiểm dịch ngày càng được đầu tư mạnh và tăng cường hơn tại các cửa khẩu, rau củ quả ngoại nhập lậu cũng đã kiểm soát giảm thiểu, nhưng gần đây người tiêu dùng lại lo lắng khi phát hiện trái cây chín để cả tháng mà không hư hoại, sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng được báo động. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng (ảnh), Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) để làm rõ thêm vấn đề này.

Không quá lo lắng về chất lượng trái cây nhập khẩu ảnh 1

* Phóng viên: Vừa qua có thông tin trái lê để 5 tháng hay táo để 9 tháng trong điều kiện bình thường mà không hề hỏng. Ông có biết vụ việc này?

* Ông NGUYỄN XUÂN HỒNG: Sau khi có thông tin trên, chúng tôi đã kiểm tra và có thể trả lời như sau: Nếu giống táo, giống lê có thời gian bảo quản dài, cộng với việc đã được sản xuất ở trong một điều kiện không bị nhiễm các vi sinh vật có thể gây hỏng nhanh trái cây và sau khi thu hoạch đã được xử lý bằng các chất bảo quản an toàn, rồi được giữ ở trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm phù hợp cho trái cây thì thời gian bảo quản của trái cây hoàn toàn có thể kéo dài được 6-10 tháng, thậm chí cả năm. Việc bảo quản trái cây phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và khi mà thấy trái cây giữ được lâu thì chưa nên vội kết luận đó là do các chất bảo quản độc hại.

* Nguồn nông sản, trái cây nhập qua tiểu ngạch từ Trung Quốc vẫn làm nhiều người lo ngại. Cục Bảo vệ thực vật đã phát hiện được vụ việc vi phạm nào mới đây không?

* Trong nhiều năm qua, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành phân tích các nguy cơ trên các loại táo, lê nhập khẩu vào Việt Nam có những mối nguy, chất độc nào liên quan đến việc bảo quản và chưa phát hiện các nguy cơ do việc sử dụng chất bảo quản độc hại trên các loại trái cây này. Chúng tôi mới chỉ phát hiện thấy những lô táo, lê, nho, cam, quýt… vi phạm khi có chứa các thuốc bảo vệ thực vật vượt quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) của Việt Nam và đã xử lý theo như quy định của pháp luật Việt Nam. Như vậy, các loại trái cây hiện nay từ nước ngoài nhập vào Việt Nam đang được các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra một cách thường xuyên, liên tục sau khi ở cửa khẩu về, trong quá trình lưu thông trên thị trường vẫn tiếp tục được giám sát, kiểm tra theo quy định.

* Có thể tin tưởng vào năng lực và sự công tâm nhiệt tình của các lực lượng kiểm dịch tại cửa khẩu không, thưa ông?

* Theo quy định của Luật ATTP, việc kiểm tra ATTP nguồn gốc thực vật được giao cho Bộ NN-PTNT và cơ quan trực tiếp làm nhiệm vụ này là Cục Bảo vệ thực vật. Chúng tôi đã và đang thực hiện nhiệm vụ kiểm tra ATTP các loại trái cây nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam từ nhiều năm qua. Một thuận lợi cho việc kiểm tra là hiện có trên 90% các loại trái cây nước ngoài nhập vào Việt Nam đều qua đường chính ngạch và được kiểm tra theo quy định của Thông tư 13 của Bộ NN-PTNT. Có nghĩa là tại cửa khẩu, nơi mà lô hàng trái cây được nhập vào Việt Nam, các đơn vị kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu sẽ kiểm tra hồ sơ, nguồn gốc xuất xứ, rồi cách đóng gói của các loại trái cây, kiểm tra ngoại quan. Sau đó nếu thấy đạt yêu cầu thì sẽ lấy mẫu để kiểm tra và cho thông quan. Quy trình này đang được áp dụng với những lô hàng kiểm tra thông thường. Đối với những lô hàng phải áp dụng phương pháp kiểm tra chặt thì phải chờ có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu mới cho thông quan.

* Có ý kiến cho rằng, hiện nay chúng ta mới chỉ đủ sức “test” được một số hoạt chất, hóa chất cơ bản có trên trái cây, nông sản trong khi phía nước xuất khẩu sử dụng bao nhiêu và những hoạt chất có tên là gì thì chúng ta vẫn bất lực…

* Với nguồn lực, trang thiết bị và kinh phí của nước ta hiện nay, cách làm của chúng tôi là: một nước nào muốn xuất khẩu trái cây sang Việt Nam đều phải gửi toàn bộ thông tin về quy trình sản xuất loại trái cây đó, trong đó có cả việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các loại chất bảo quản sang phía Việt Nam để phía Việt Nam xem xét, phân tích nguồn thông tin đó. Thứ hai, trong thực tế, chúng tôi đang hợp tác với các nước đang xuất khẩu trái cây sang Việt Nam, có bất cứ vấn đề gì thì cùng gặp gỡ, trao đổi để nắm biết thông tin. Thứ ba, chúng tôi tiến hành phân tích về nguy cơ để biết lựa chọn những loại hoạt chất nào để kiểm tra.

Mặc dù trên thế giới có hàng ngàn hoạt chất đang được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, nhưng đối với từng loại cây trồng, như táo chẳng hạn, phải xem trên cây táo, quả táo có những loại sâu bệnh nào, để phòng trừ các loại sâu bệnh đó thì người sản xuất phải sử dụng các hoạt chất thuốc nào. Đặc biệt, cần tập trung vào giai đoạn tạo trái là lúc có nguy cơ để lại dư lượng trên quả nhiều nhất. Với cách làm như vậy, chúng tôi đã loại các thuốc trừ cỏ, trừ chuột, trừ ốc, trừ tuyến trùng; các thuốc kích thích cho cây ra hoa kết trái để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Thuốc an toàn cũng tương tự.

* Ngoài việc trông đợi vào sự chủ động của cơ quan kiểm dịch thì bản thân người tiêu dùng có cách nào để tự nhận biết loại nông sản thực phẩm nào là an toàn, nên mua hàng gì, ở đâu không?

* Trước hết, phải xem xét về yếu tố mùa vụ và giống trái cây được trồng. Như táo từ New Zealand, Australia được nhập vào Việt Nam thì người tiêu dùng cần nắm bắt về thời gian thu hoạch là khi nào và nó thuộc giống táo nào. Căn cứ vào thời gian thu hoạch, giống trái cây và thời gian có ở trên thị trường, chúng ta sẽ biết loại táo đó được bảo quản hay không và thời gian là bao lâu. Theo kinh nghiệm thì chỉ nên mua trái cây vào thời điểm thu hoạch rộ, sẽ không có thuốc bảo quản.

Một yếu tố khác có thể nhận biết, đó là vấn đề chất lượng. Trái cây bảo quản trong thời gian quá dài rồi thì hương vị sẽ bị giảm sút, ăn không giống như lúc mới thu hái. Đáng lưu ý, đối với các loại trái, người ta không đưa ra một hạn sử dụng nào cả. Khi nào sản phẩm bị hỏng, người tiêu dùng nhận biết được là phải loại bỏ. Trong siêu thị, khi thấy trái cây có thời gian bảo quản dài, có nguy cơ hỏng thì người ta sẽ hạ giá bán, nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi tại sao táo Australia, New Zealand, Mỹ… lại rẻ hơn táo Trung Quốc. Bởi vì đã đến lúc người ta phải bán, kéo dài thêm nữa thì nó sẽ hỏng.

* Xin cảm ơn ông!

Văn Phúc

Tin cùng chuyên mục