Không thể chậm trễ!

Lợi thế, ưu thế khi có hành trang ngoại ngữ tiếng Anh đã được nói đến rất nhiều khi thế giới đang hội nhập với tốc độ nhanh và nhiều quốc gia đang mở rộng cửa mời gọi, đón chào nhân tài, nguồn lực chất xám vào làm việc. Có hành trang ngoại ngữ giỏi cộng thêm có năng lực, trình độ, tay nghề, kỹ năng mềm, người lao động có thể làm việc ở bất cứ nơi nào cần họ và họ thích. Điển hình như người lao động Philippines, nhờ lợi thế nói tiếng Anh tốt, có kỹ năng nghề nghiệp, họ có thể làm việc ở khắp thế giới. Và nguồn nhân lực xuất khẩu năng động, đủ trình độ, đa ngành nghề ấy đã mang về cho đất nước nghèo tài nguyên này mỗi năm đến gần 20 tỷ USD.

Còn chúng ta thì sao? Với lợi thế lao động bước vào giai đoạn vàng, sung sức tràn trề nhưng phần nhiều lại yếu tay nghề và thiếu vốn liếng ngoại ngữ tiếng Anh. Vì thế, họ không thể vươn xa, không thể tham gia các chương trình xuất khẩu lao động đòi hỏi trình độ tay nghề, kỹ thuật lẫn trình độ ngoại ngữ cơ bản - biết giao tiếp. Và không chỉ nuối tiếc, họ còn ôm cảnh thất nghiệp dài dài, kể cả đã qua đào tạo nghề mất 2 - 3 năm. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp nghề tiếc hùi hụi khi bỏ lỡ nhiều hợp đồng liên kết đào tạo nghề với nước ngoài do không tuyển được học viên hoặc chỉ tuyển được nhỏ giọt. “Chỉ cần có trình độ tiếng Anh cơ bản, đủ giao tiếp là chúng tôi có thể liên kết đào tạo nhiều nghề ở trình độ cao đẳng nghề và sau đó đưa sinh viên đi nước ngoài làm việc ngay. Đơn đặt hàng không thiếu nhưng thiếu người đủ chuẩn vào học…”,  một hiệu trưởng trường cao đẳng nghề vò đầu bứt tai vì bất lực.

Cánh cửa vào ngôi nhà chung ASEAN chuẩn bị mở rộng và những ai có lợi thế tiếng Anh, có năng lực về nghề nghiệp, chất xám sẽ có cơ hội tìm việc làm tốt nhất, thu nhập cao nhất. Đó là thông điệp cấp bách bởi sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, sẽ sòng phẳng hơn khi chúng ta bước vào cuộc chơi hội nhập, phát triển. Dù đã có những bước chuẩn bị, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh, lao động trẻ nhưng nhìn lại chúng ta không thể không giật mình lo ngại. Bởi lẽ, mục tiêu đề ra thì lớn nhưng hiệu quả đạt được thì nhỏ bé chưa tương xứng với yêu cầu. Cụ thể, đề án ngoại ngữ quốc gia đã khởi động nhiều năm nay và đặt ra mục tiêu đến năm 2020, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu (sáu bậc). Còn học sinh tốt nghiệp THPT sẽ cơ bản biết giao tiếp và sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng sẽ tự tin, nói tiếng Anh lưu loát. Thời gian chỉ còn hơn 4 năm nữa và nhìn lên bức tranh hiện tại còn quá nhiều gam xám. Kết quả kỳ thi THPT quốc gia mới đây cho thấy môn ngoại ngữ tiếng Anh có phổ điểm thấp nhất. Trừ TPHCM và các thành phố lớn có điều kiện mở rộng việc dạy và học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, còn lại ngành giáo dục - đào tạo các địa phương đang loay hoay đau đầu với bài toán dạy - học tiếng Anh sao cho hiệu quả với rất nhiều khó khăn, rào cản bủa vây.

Tại sao nhiều nước ở quanh ta như Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia… cũng học tiếng Anh như chúng ta, nhưng viên chức, người lao động của họ lại sử dụng tiếng Anh thành thạo? Nếu không tạo ra một cuộc cách mạng thực sự trong dạy và học tiếng Anh bài bản, theo đúng chuẩn, tạo môi trường thực hành, giao tiếp bằng tiếng Anh chuẩn thì mong ước có nguồn lực trẻ giỏi tiếng Anh sẽ chỉ là giấc mơ xa vời. Thiếu hành trang tiếng Anh và kỹ năng mềm khác, lao động của Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà khi chúng ta gia nhập ngôi nhà chung ASEAN. Sự chậm chân chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề cùng với ngoại ngữ tiếng Anh sẽ khiến bước chân hội nhập của chúng ta khập khễnh và vuột mất nhiều cơ hội tốt.

HÀ KHÁNH

Tin cùng chuyên mục