Không thể hạn chế quyền khiếu nại của dân

Trang Nhịp cầu bạn đọc Báo SGGP ngày 25-5-2013 có bài “

Trang Nhịp cầu bạn đọc Báo SGGP ngày 25-5-2013 có bài “Không được giải quyết đơn khiếu nại: Dân kêu ở đâu?”, phản ánh việc một số cơ quan nhà nước thông báo chấm dứt thụ lý, không nhận đơn khiếu nại của người dân. PV Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến của chuyên gia pháp luật  xung quanh vấn đề này.

  • Luật gia TRẦN ĐÌNH DŨNG (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam): Quyền khiếu nại đã được hiến định

Quyền khiếu nại đã được Hiến pháp quy định và được cụ thể hóa bằng Luật Khiếu nại. Trong luật đã quy định rõ về quy trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Theo đó, người khiếu nại có quyền gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết nếu thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm. Các cơ quan chính quyền phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của người dân theo luật định, từ cấp cơ sở đến trung ương. Thanh tra Chính phủ và các bộ là cấp giải quyết khiếu nại cao nhất. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xem xét đơn khiếu nại qua công cụ là Thanh tra Chính phủ và các bộ. Kết quả giải quyết được thông báo bằng văn bản, kết luận. Trên thực tế, nhiều vụ Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo, qua nhiều đoàn thanh tra mới tìm ra sự thật, giải quyết thấu tình đạt lý.

Luật Khiếu nại quy định về quyền và quy trình thụ lý, giải quyết đơn của người dân; còn việc giải quyết nội dung đơn khiếu nại phải căn cứ theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Trên thực tế, ngay thời điểm giải quyết khiếu nại, những văn bản quy phạm pháp luật không điều chỉnh hoặc gây bất lợi cho người dân thì người giải quyết khiếu nại trả đơn hoặc bác khiếu nại của người dân. Thế nhưng, cùng sự việc đó ngày hôm sau văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có điều chỉnh đến nội dung khiếu nại, có lợi cho người dân thì người dân có thể tiếp tục gửi đơn khiếu nại và đơn vị, cá nhân giải quyết khiếu nại có trách nhiệm tiếp tục thụ lý, giải quyết. Vì thế, việc một số cơ quan nhà nước thông báo không thụ lý, giải quyết khiếu nại của người dân là không đúng.

  • Luật sư THÁI VĂN CHUNG (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyên Giáp - Đoàn Luật sư TPHCM): Chú trọng giải quyết khiếu nại của dân

Trong những năm qua, các quy định pháp luật về khiếu nại đã nhiều lần được sửa đổi bổ sung nhằm tạo điều kiện cho người dân tự ý thức, nâng cao nhận thức về pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền đã chú trọng hơn về việc giải quyết khiếu nại của người dân, mà cụ thể là Chương trình 1130 của Thanh tra Chính phủ.

Thực tế hiện nay công tác giải quyết khiếu nại rất khó khăn, việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại còn khó khăn hơn. Nhiều quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực nhưng không được thực thi. Thế nên có nhiều trường hợp tuy rất “tâm phục khẩu phục” khi cầm quyết định giải quyết khiếu nại, nhưng sau đó người dân vẫn phải tiếp tục gửi đơn khiếu nại yêu cầu các cấp chính quyền thực thi. Chính vì thế, nếu các cơ quan chức năng chỉ căn cứ việc đã có văn bản giải quyết khiếu nại rồi, để ban hành thông báo chấm dứt thụ lý, không nhận đơn, mà không xem xét quyết định giải quyết đã được thực thi hay chưa, là không thuyết phục. Như vậy là tước đi quyền khiếu nại chính đáng của người dân và vô tình dung túng cho những đối tượng cố tình không chấp hành thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại.

TRẦN YÊN (ghi)

Tin cùng chuyên mục