Anh (chị) đã lên kế hoạch trong mùa hè cho trẻ như thế nào? Nếu có một câu hỏi nhằm khảo sát các bậc phụ huynh ở TPHCM như vậy, thống kê chắc sẽ như thế này: Một lượng rất rất nhỏ cho rằng: “Chúng tôi sẽ cho cháu vui chơi để thư giãn sau một năm học hành căng thẳng”. Còn lại số đông cho rằng: Hè sẽ cho cháu tranh thủ học trước chương trình, rồi có thể học thêm Anh văn, vi tính. Nói chung, là vẫn “tiếp nối cái sự học”, là thực hiện học kỳ thứ ba như báo chí vẫn thường gọi. Thật ái ngại thay cho bọn trẻ!
Tâm lý các bậc cha mẹ như vậy cũng là điều dễ hiểu. Lẽ tất nhiên, ai chẳng thích cái cảm giác hãnh diện, tự hào khi con mình được tuyên dương học tập xuất sắc trong mỗi kỳ họp phụ huynh. Muốn vậy thì không được lơ là, chẳng những học cho “bằng bạn” mà cần phải “hơn bạn” nữa.
Xa hơn, ai cũng muốn con mình rồi sẽ có một vị trí tốt trong xã hội tương lai. Mà theo đà phát triển, xã hội sẽ đòi hỏi và cần những con người có tri thức chẳng những sâu mà còn rộng... Đó là những lý do đúng nhưng… chưa đủ.
Nhiều bậc phụ huynh lo ngại, nếu hè không bắt trẻ học thì trẻ sẽ dễ quên kiến thức. Điều này đúng nhưng không có nghĩa bắt trẻ chỉ có học và học. Việc học trước chương trình cũng không thật cần thiết. Trong hè, chỉ nên cho trẻ dành ít thời gian để củng cố lại kiến thức cũ. Như thế, trẻ sẽ có nền tảng vững chắc để tiếp thu kiến thức của năm học mới.
Phần lớn thời gian còn lại, nên để trẻ được vui chơi, thư giãn. Không ít cha mẹ cho rằng bắt trẻ học đàn, học múa cũng là thư giãn rồi. Điều này không hẳn và nó cũng chỉ đơn thuần là sự “nhồi học” nếu trẻ chẳng có hứng thú.
Đối với cơ thể người, việc nạp kiến thức cũng giống như nạp chất dinh dưỡng vậy, cần phải có sự điều độ và phù hợp. Thiếu chất, cơ thể sẽ èo uột nhưng dư chất thì cũng sẽ phát triển không bình thường.
Không ít trường hợp học nhồi nhét kiến thức đã dẫn đến những rối loạn về tâm thần. Kể cả một số trẻ được coi là thần đồng, tuy có thể hấp thụ được lượng kiến thức vượt trội gấp nhiều lần so với bạn đồng trang lứa nhưng cũng không thể vượt quá giới hạn.
Nếu nóng vội, bắt trẻ phải tiếp thu vượt ngưỡng thì chẳng những không phát huy được tài năng của trẻ mà sẽ gây tác dụng ngược, hết sức nguy hiểm.
Tất cả vì tương lai con em nhưng các bậc phụ huynh nên cân nhắc cách làm. Sẽ thật bất công bởi ngay như người lớn, sau thời gian làm việc cũng phải dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Vậy thì cớ gì sau một năm học hành căng thẳng, ta lại đánh mất những ngày hè vui chơi của trẻ?
Thanh Phúc