Em cố gắng thuyết phục cháu chịu đi thi giúp chị, học gì, trường nào không quan trọng. Chỉ cần đậu là được rồi.
Không hiểu nghe ai xui mà thằng bé nhất định không thi đại học mà đòi học sửa xe”, mỗi khi đến mùa thi cử, chị G. - chuyên gia tư vấn tâm lý nhận được không ít lời yêu cầu nhờ tư vấn kiểu như trên của khách hàng gọi đến trung tâm. Sau khi tiếp xúc trò chuyện, chị quyết định quay ngược lại tư vấn cho… bố mẹ học sinh kia vì thấy lựa chọn của cậu học sinh là hợp lý. Em hoàn toàn không đam mê và đủ sức theo ngành mà mẹ chọn. Thêm vào đó từ nhỏ, được tiếp xúc nhiều với xe cộ, máy móc (do nhà có một garage ô tô) nên em có một kiến thức không nhỏ và niềm đam mê với máy móc. Với quyết tâm và đam mê đó em sẽ còn tiếp tục tiến xa nếu được sự ủng hộ của gia đình.
Khi học xong THPT, các em được vạch sẵn một con đường duy nhất… thi vào đại học, nếu lỡ trượt thì chờ sang năm thi tiếp. Còn những trường hợp lỡ… đậu phải ráng gồng mình học cho xong 4 năm đại học để lấy tấm bằng, cố gắng tìm một công việc với ngành học mà mình không thích, không đam mê. Đặc biệt là với tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay thì những bạn trẻ có bằng cấp đầy mình lại khó kiếm được một công việc như mong muốn.
Trở lại câu chuyện trên, khi được hỏi “con không vào đại học có được không?”, tất nhiên câu trả lời của phụ huynh kia là “không”, cũng như 9/10 vị phụ huynh đến nhờ tư vấn, ổn định tâm lý cho con em họ trước và sau những kỳ thi. Có thể trước đây, nhiều người trong số họ từng nói rằng đại học không phải con đường duy nhất để vào đời. Nhưng đó là với con người khác. Thực tế, quyết tâm vào đại học cho bằng được, dù quá sức, dù chỉ là những trường và chuyên ngành hoàn toàn không phù hợp trở thành nỗi ám ảnh của không ít bậc phụ huynh hiện nay. Với họ, bằng đại học vừa là “tấm hộ chiếu” đảm bảo cho việc tìm việc làm, thành công… cũng như thỏa mãn sĩ diện của các ông bố bà mẹ. Sau mỗi mùa thi lại có thêm những trường hợp đau lòng vì áp lực thi cử và gánh nặng phải đỗ bằng mọi giá khiến nhiều bạn trẻ lâm vào cảnh khủng hoảng. Có em xấu hổ vì thi trượt đã phải bỏ nhà đi bụi, thậm chí tự tử vì không muốn đối mặt với gia đình… khi nhiều người lớn cứ mải mê buộc con mình chạy theo những tấm bằng bằng mọi giá.
THANH AN