Khu vui chơi dành cho trẻ em - Nơi cần không có, nơi có không cần

Từ năm 2010, TPHCM đã đầu tư kinh phí lập 10 khu vui chơi dành cho trẻ em tại các công viên Tao Đàn, Lê Thị Riêng, Phú Lâm, Lê Văn Tám, Gia Định, Hoàng Văn Thụ… để tạo thêm sân chơi cho trẻ em ở các quận nội thành. Nhưng các khu vui chơi này không thu hút được nhiều trẻ em đến chơi. Trong khi đó, trẻ em là con công nhân, lao động, sống xa trung tâm TP vẫn đang rất cần có nơi vui chơi giải trí.
Khu vui chơi dành cho trẻ em - Nơi cần không có, nơi có không cần

Từ năm 2010, TPHCM đã đầu tư kinh phí lập 10 khu vui chơi dành cho trẻ em tại các công viên Tao Đàn, Lê Thị Riêng, Phú Lâm, Lê Văn Tám, Gia Định, Hoàng Văn Thụ… để tạo thêm sân chơi cho trẻ em ở các quận nội thành. Nhưng các khu vui chơi này không thu hút được nhiều trẻ em đến chơi. Trong khi đó, trẻ em là con công nhân, lao động, sống xa trung tâm TP vẫn đang rất cần có nơi vui chơi giải trí.

Dù thiết bị cũ kỹ, không thật an toàn nhưng các khu vui chơi do tư nhân đầu tư vẫn thu hút nhiều trẻ em đến chơi.

Dù thiết bị cũ kỹ, không thật an toàn nhưng các khu vui chơi do tư nhân đầu tư vẫn thu hút nhiều trẻ em đến chơi.

Chơi một tối bằng một ngày lương

“Mẹ lãnh lương chưa?”, nghe cậu con trai của chị Trần Thị Thu (công nhân may, ngụ tại đường số 2, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) hỏi mẹ như vậy, chúng tôi tưởng cậu bé đang muốn xin mua một món đồ chơi nào đó hơi đắt tiền. Nhưng chị Thu giải thích ngay: “À, cháu nó hỏi để xin tiền ra khu vui chơi ngay đầu hẻm để chơi đu quay. Tôi có hứa với cháu, mỗi tháng được đến chơi tại khu vui chơi 2 lần, đúng 2 kỳ lãnh lương vào đầu và giữa tháng của vợ chồng tôi nên cháu cứ mong ngóng, lâu lâu lại hỏi vậy”.

Thấy chúng tôi tỏ ý thắc mắc vì cứ nghĩ chơi trò chơi ở khu vui chơi đâu đáng bao nhiêu tiền, sao phải dè sẻn với cháu, chị Thu phân trần: “Phí mỗi trò chơi từ 5.000 - 8.000 đồng mà chỉ được chừng 2 phút, con nít hay đòi chơi trò này trò kia. Nếu chỉ cho chơi 1 - 2 trò chơi rồi bắt phải về thì thấy cũng tội, mà chiều theo ý cháu thì phải tốn gần cả trăm ngàn đồng. Nhẩm tính với mức lương công nhân của mình, cho con chơi một buổi tối hết gần một ngày công của mẹ cũng thật xót”.

Quan sát tại các khu vui chơi do tư nhân mở trong khu dân cư lao động trên đường số 2 (quận Thủ Đức), Nguyễn Duy Trinh (quận 2), Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Đỗ Xuân Hợp, Dương Đình Hội (quận 9), Phan Văn Trị (quận Gò Vấp)…, trẻ em ở quanh đó rất háo hức vào chơi. Cũng có không ít ánh mắt trẻ thơ từ ngoài nhìn qua hàng rào sắt, khao khát được vào chơi nhưng không có tiền mua vé.

Bác Phạm Thị Truất (ngụ tại đường Nguyễn Duy Trinh) kể: “Nhà tôi gần khu vui chơi, mỗi tối khu này mở cửa, nghe tiếng nhạc nổi lên là mấy đứa cháu nằng nặc đòi ra đó chơi. Tiền kiếm được từ xe hủ tiếu dạo của ba má tụi nhỏ không được bao nhiêu, nên tôi phải đóng cửa lại, kể chuyện cổ tích dỗ dành các cháu. Thấy tội nghiệp nên mỗi ngày tôi tiết kiệm bớt lại một vài ngàn tiền chợ để thỉnh thoảng dắt các cháu ra khu vui chơi”.

Tàu lửa, đu quay xộc xệch, nhà phao chỗ phồng chỗ xẹp, những con thú bập bênh cong vẹo… vậy nhưng hàng tối, các khu vui chơi này vẫn thu hút đông đảo trẻ em vào chơi. Chỉ những vùng ven, trẻ em rất cần có sân chơi nên dù thiết bị trò chơi ở các khu vui chơi này đều đã cũ kỹ, xuống cấp, không thật đảm bảo an toàn nhưng vẫn còn hái ra tiền.

Xã hội hóa khu vui chơi

Trong khi nơi cần không có thì nơi đã có lại không cần. Ở các quận nội thành, tư nhân đã đầu tư các khu vui chơi quy mô lớn tại các nhiều trung tâm thương mại và cả ở công viên lớn, luôn thu hút được nhiều trẻ em đến chơi nhiều trò chơi hiện đại, hấp dẫn.

Còn các khu vui chơi miễn phí đã được TP đầu tư ở các công viên nội thành lại không có nhiều trẻ em tới chơi, thậm chí còn bị bỏ không. Các khu vui chơi này có các thiết bị trò chơi vận động, tập thể dục nhưng lại vắng trẻ em đến chơi, do trẻ em bị cuốn vào lịch học kín mít, hoặc do trẻ em nội thành có nhiều trò giải trí khác từ các thiết bị điện tử nên không mặn mà với những trò chơi vận động.

Trong công viên Mười Mẫu (đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2) trước đây có cầu tuột, thú nhún cho thiếu nhi vui chơi, nhưng lâu ngày không được bảo dưỡng nên gỉ sét, bỏ không. Trẻ em trong khu tái định cư phải tốn tiền không rẻ để vào chơi trò chơi trong khu vui chơi Rồng Vàng của tư nhân chỉ cách đó khoảng 10m.

Thấy tình trạng bất cập về khu vui chơi, nhiều người phải đặt câu hỏi: Tại sao các địa phương không chủ động hợp tác với tư nhân mở những điểm vui chơi với quy mô nhỏ ở các khu lao động, khu dân cư nghèo hoặc những nơi xa trung tâm TP? Thật ra nhiều nhà văn hóa đã liên kết với tư nhân mở khu vui chơi rồi, tuy nhiên thường tư nhân chỉ mạnh tay đầu tư khu vui chơi ở những nơi có mức sống dân cư cao, mà không quan tâm đầu tư khu vui chơi ở các phường - xã nghèo, bởi khó có khách nếu thu phí cao.

Do vậy, cũng nên nghiên cứu các giải pháp ưu đãi để khuyến khích tư nhân đầu tư khu vui chơi ở các quận - huyện nghèo, như miễn thuế dài hạn, thậm chí có thể trợ giá một phần từ ngân sách dành cho phúc lợi xã hội để tạo điều kiện cho tư nhân phát triển khu vui chơi, cho trẻ em ở các xóm lao động, xa trung tâm TP được vui chơi mà không phải trả phí quá cao như hiện nay.

Với biện pháp này, cũng có thể giám sát được độ an toàn của các thiết bị trò chơi trong khu vui chơi thay vì cứ thả nổi như hiện nay.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục