Khuyến khích sự năng động, sáng tạo và thân thiện của địa phương

Sự kiện kinh tế đáng chú ý nhất tuần qua là việc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, những tiếng nói đưa ra trong PCI nhằm phản ánh thực tế và khuyến khích chính quyền địa phương năng động, sáng tạo trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Khuyến khích sự năng động, sáng tạo và thân thiện của địa phương

Sự kiện kinh tế đáng chú ý nhất tuần qua là việc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, những tiếng nói đưa ra trong PCI nhằm phản ánh thực tế và khuyến khích chính quyền địa phương năng động, sáng tạo trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Khuyến khích sự năng động, sáng tạo và thân thiện của địa phương ảnh 1

ông Đậu Anh Tuấn

- Phóng viên: Theo ông, đâu là những điểm được coi là ấn tượng của PCI 2015?

>> Ông ĐẬU ANH TUẤN: Đó là lần đầu tiên sau 4 năm, khoảng cách giữa nhóm đầu bảng và cuối bảng đã bắt đầu được nới rộng. Đây có thể là tín hiệu cho thấy các tỉnh “ngôi sao” đang nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới. Cụ thể, điểm số PCI của Đà Nẵng hiện đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2012, gần 1,5 điểm. Trong khi đó, PCI của tỉnh thấp nhất đã giảm hơn 1 điểm, quay về mốc điểm xuất phát năm 2013 (48,9 điểm). Lần đầu tiên kể từ khi báo cáo PCI ra mắt năm 2005, số lượng doanh nghiệp tham gia phản hồi vượt qua ngưỡng 10.000. Nếu tính thêm 1.584 doanh nghiệp FDI, tổng phản hồi điều tra hơn 11.700 doanh nghiệp - con số cao kỷ lục trong lịch sử điều tra PCI. Điều này càng củng cố hơn niềm tin của chúng tôi rằng, PCI đã dành được sự tin cậy và trở thành tập hợp “tiếng nói” quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh trong nước về chất lượng điều hành, môi trường đầu tư và kinh doanh địa phương.

Ngoại trừ Đà Nẵng và TPHCM, những gương mặt xuất sắc nhất trong 10 lĩnh vực điều hành kinh tế đều đến từ khu vực ĐBSCL. Nổi tiếng năng động, thường xuyên liên kết, trao đổi, chia sẻ cũng như học tập các kinh nghiệm thực tiễn tốt, nhiều năm qua các địa phương trong khu vực này luôn duy trì được chất lượng điều hành kinh tế đồng đều nhau. Ngược lại, nhóm cuối bảng của các chỉ số thành phần lại có sự góp mặt của một số tỉnh thành trong khu vực đồng bằng sông Hồng (Hưng Yên, Hà Nội), khu vực miền núi phía Bắc (Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn), duyên hải miền Trung (Hà Tĩnh) hay Tây Nguyên (Đắk Nông). Rõ ràng, các vùng miền vẫn có những khoảng cách không nhỏ về chất lượng điều hành kinh tế, đòi hỏi nhiều nỗ lực phối hợp, liên kết vùng để nhân rộng những thực tiễn tiêu biểu về điều hành mạnh mẽ.

- Đà Nẵng năm thứ 3 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng, Đồng Tháp năm thứ 2 liên tiếp đứng thứ 2. Kết quả này nói lên điều gì, thưa ông?

Trung tâm hành chính tập trung của Đà Nẵng đi vào hoạt động từ tháng 9-2014 đã phát huy hiệu quả trong việc tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho người dân, doanh nghiệp lẫn cán bộ, công chức. Năm nay, đa số các chỉ tiêu đo lường chi phí thời gian và hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính của Đà Nẵng đều cải thiện. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ “không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký” tăng từ 67% năm 2014 lên 70%, tỷ lệ đánh giá “cán bộ công chức làm việc hiệu quả” cũng tăng từ 71% năm 2014 lên 76%. Hướng tới việc xây dựng một “thành phố thông minh”, Đà Nẵng đã xây dựng mô hình chính quyền điện tử và đã nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Đà Nẵng cũng là địa phương thực hiện “Năm doanh nghiệp” từ năm 2014 và tiếp tục duy trì trong năm 2015 với quan điểm “về lâu dài, chỉ có thể dựa vào sự phát triển của doanh nghiệp làm động lực phát triển thành phố trong tương lai”.

Dù là một địa phương nằm ở vị trí “khuất nẻo” nhưng Đồng Tháp đang dần xác lập hình ảnh một chính quyền gần dân và doanh nghiệp. Để thúc đẩy phát triển kinh tế, Đồng Tháp đã chú trọng xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân... Gần đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch giảm 30% số cuộc hội, họp, “để lãnh đạo các ngành, các địa phương có nhiều thời gian đi cơ sở để tiếp xúc với người dân, với doanh nghiệp, giúp giải quyết, tháo gỡ từng điểm nghẽn. Những điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn của Đà Nẵng, Đồng Tháp với các doanh nghiệp.

- Các xu hướng tích cực qua lăng kính PCI 2015 là gì, thưa ông?

Đó là thời gian để lấy giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được rút ngắn ở mức kỷ lục trong vòng 11 năm, từ 10 - 12 ngày xuống còn 8 ngày; khả năng tiếp cận các tài liệu kế hoạch cấp tỉnh được cải thiện, tăng từ 2,25 điểm năm 2014 lên 2,38 điểm năm 2015 (thang 5 điểm). Nhiều chỉ tiêu đánh giá hiệu quả và chất lượng hoạt động của cán bộ công chức trong xử lý các thủ tục hành chính, doanh nghiệp có nhiều cảm nhận tích cực hơn trước: 51% doanh nghiệp cho biết “thủ tục giấy tờ đã đơn giản hơn”, tăng 5% so với năm 2014; tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý ‘‘cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả’’ tăng từ 64% năm 2014 lên 67% năm 2015; thời gian thanh tra thuế giảm từ 8 giờ xuống còn 4,5 giờ trung bình một cuộc, mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây...

- Tại nhiều diễn đàn, doanh nghiệp vẫn “kêu ca” vẫn phải bỏ những khoản chi phí để bôi trơn. Nôm na là tình hình tham nhũng, nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn khá phổ biến. PCI 2015 thể hiện ra sao thực trạng này?

PCI 2015 cho thấy, chi phí không chính thức chưa có dấu hiệu giảm bớt. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% (năm 2013) lên tới 64,5% (năm 2014) và 66% (năm 2015). Hơn 11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm nay cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, tăng so với năm 2014; 65% doanh nghiệp cho biết ‘‘tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến’’. Đây là những con số biết nói và thể hiện thực trạng đáng quan ngại trong nhiều năm trở lại đây.

- PCI 2015 có lưu ý về lĩnh vực cần cải thiện là cạnh tranh bình đẳng. Ông có thể nói rõ thêm về điều này?

Trong mắt của các doanh nghiệp dân doanh, môi trường kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố chưa có sự cạnh tranh bình đẳng. Trong PCI, chỉ số thành phần cạnh tranh bình đẳng phản ánh nỗ lực của chính quyền các địa phương trong việc tạo ra một “sân chơi” công bằng và bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, năm vừa qua, những nỗ lực này chưa đem lại những kết quả rõ nét. Tại tỉnh trung vị trong khảo sát PCI 2015 cho thấy, 39% doanh nghiệp vẫn cho biết ‘‘tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp’’, tăng 4% so với năm 2014. Tỷ lệ này ghi nhận thấp nhất ở Bạc Liêu (25%) và cao nhất ở các thành phố trung ương: như Hà Nội (51%) và Cần Thơ (50%). Các địa phương còn nhiều khó khăn về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế cũng có tỷ lệ này cao như Đắk Nông (46%) hay Yên Bái (48%).

- Qua PCI 2015, ông muốn gửi gắm điều gì?

Tôi nghĩ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là điều tất cả các địa phương mong muốn và đang nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách ở các địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn chậm hơn so với kỳ vọng và chưa đồng đều trong nhiều lĩnh vực và cấp độ.

Về thực chất, tính cạnh tranh mà nhóm nghiên cứu PCI trông chờ không phải là những mục tiêu về thứ hạng cao thấp, mà là cạnh tranh về mức độ hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền địa phương. Quan trọng hơn, chỉ số PCI nhằm khuyến khích sự năng động, sáng tạo và thân thiện của địa phương để hướng tới đối tượng quan trọng nhưng dễ bị tổn thương nhất: các doanh nghiệp dân doanh nhỏ và vừa. PCI 2015 dành nhiều không gian cho những phân tích sâu về các thách thức và khó khăn mà nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt. Chúng tôi hy vọng, những thông điệp nêu ra nếu được chính quyền các địa phương chú ý, lắng nghe và đáp ứng, thì sẽ góp phần phát triển khối doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh. Khu vực doanh nghiệp dân doanh trong nước cần được thúc đẩy để trở thành động lực chính cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông.

NGỌC QUANG thực hiện

Tin cùng chuyên mục