Khuyến mãi giảm giá ảo

Kim cương giảm giá đến 50%!
Khuyến mãi giảm giá ảo

Cuối năm, tại TPHCM, đi đâu cũng thấy treo bảng giảm giá khủng. Cũng có tình trạng niêm yết giảm giá nhưng không phải là giá rẻ, mà chỉ là chiêu niêm yết nâng giá khống rồi giảm, hoặc chỉ giảm giá xả hàng tồn, hàng kém chất lượng.

Dù đã công bố giảm giá 50%, giá bán ở Thế giới Kim Cương vẫn cao gần gấp đôi so với giá thị trường. Ảnh: CHẾ HÂN

Dù đã công bố giảm giá 50%, giá bán ở Thế giới Kim Cương vẫn cao gần gấp đôi so với giá thị trường. Ảnh: CHẾ HÂN

Kim cương giảm giá đến 50%!

Từ các điểm bán trên lề đường Nguyễn Trãi, đến các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… đều treo bảng giảm giá. Thế nhưng, khi thấy mặt hàng kim cương mà cũng giảm giá đến 50%, chúng tôi thực sự bị sốc! Tại cửa hàng Thế giới Kim Cương trong Trung tâm thương mại Diamond (quận 1), chúng tôi hỏi giá chiếc nhẫn 4,2 ly được trưng trong quầy giảm giá 50%, cô nhân viên bán hàng bấm máy tính và nói giá gốc hơn 65 triệu đồng, giảm 50% còn lại hơn 32 triệu đồng. Thật sửng sốt khi nghe báo mức giá đó, vì giá kim cương 4,2 ly ở SJC hay PNJ chỉ độ 13 triệu đồng, thêm chiếc nhẫn trị giá vài triệu đồng nữa thôi, nhưng Thế giới Kim Cương lại “hét” với giá 65 triệu đồng. Dù đã giảm một nửa thì giá bán vẫn cao gần gấp đôi so với giá thị trường. Thấy khách hàng thắc mắc, cô nhân viên bán hàng thuyết phục rằng do kim cương này được công ty nhập độc quyền từ Hàn Quốc với số lượng mặt cắt nhiều gấp đôi so với kim cương thường nên sáng hơn, lóng lánh hơn. Vẫn khó có thể nghe thông, bởi giá trị kim cương là ở độ to nhỏ, chứ mặt cắt chẳng thể làm tăng thêm giá trị. Để kiểm chứng giá trị thật của mặt hàng độc quyền này, chúng tôi hỏi giá thu vào nếu khách đã mua hàng muốn bán lại, cô nhân viên bán hàng ấp úng trả lời chỉ thu vào với mức… 55% giá bán thực tế. Tức là đối với mặt hàng độc quyền này, nếu sang tay là sẽ mất ngay 45% giá trị. Trong khi đó, ở các công ty đá quý nổi tiếng tại Việt Nam, giá thu vào đối với kim cương chỉ mất 10% - 20% giá trị.

Kiểu khuyến mãi đáng ngờ như vậy đang diễn ra khắp nơi trên địa bàn TPHCM. Không chỉ mùa tết các cửa hàng, siêu thị mới rầm rộ bán hàng khuyến mãi, có nhiều chuỗi cửa hàng trưng bảng khuyến mãi quanh năm. Chẳng hạn như cửa hàng đồ gỗ Chi Lai lúc nào cũng rao giảm giá từ 30% - 50%, nhưng dù đã giảm giá cũng vẫn cao hơn so với giá sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Bạn đọc Lê Văn Thư (ngụ tại quận Bình Thạnh) phản ánh: “Đầu năm 2013, tôi đến các siêu thị điện máy Chợ Lớn, Thiên Hòa, Nguyễn Kim khảo sát giá để dành dụm tiền mua cho bằng được chiếc ti vi màn hình phẳng 32 inch. Đến cuối năm, đọc báo thấy đúng mẫu ti vi muốn mua nằm trong danh sách giảm giá, tôi nghĩ chắc hãng ra model mới nên giảm giá mặt hàng cũ. Nhưng xem lại giá bán sau khi giảm, mới chưng hửng vì vẫn bằng với giá bán hồi đầu năm 2013 mà tôi đã khảo sát. Với kiểu nâng khống giá như vậy, chắc sẽ có nhiều người bị mắc lừa”.

Nếu làm giá nhưng bán hàng tốt còn được, chứ bán hàng kém chất lượng còn nguy hiểm hơn. Bởi nhiều mặt hàng giảm giá là hàng kém chất lượng, hàng lỗi. Nếu có thương hiệu thì hàng giảm giá là hàng lỗi thời, tồn kho, bị trầy xước, hoặc trưng bày lâu đã cũ, thậm chí gần hết hạn sử dụng, nên không bảo hành. Bạn đọc Nguyễn Thị Hồng (ngụ tại quận 10) bức xúc kể: “Ham rẻ nên tôi đã mua nồi cơm điện giá khuyến mãi giảm đến 50%. Nhưng khi nấu cơm cứ đụng tay vô là bị rò điện tê tay, xài chưa được 1 tuần đã chập điện khét lẹt làm cả nhà hoảng loạn. May mà lúc đó có người ở nhà rút điện kịp thời, nếu không đã cháy nhà”.

Đừng ham khuyến mãi

Theo các chuyên gia kinh tế, giảm giá sản phẩm đến 50% là vô lý. Bởi trong thời kinh tế khó khăn hiện nay, chẳng có mặt hàng nào có tỷ suất lợi nhuận được 50% thì làm sao có thể giảm giá đến 50%? Luật Thương mại có quy định “mức khuyến mãi không được quá 50% giá trị hàng hóa” và đã nêu rõ tại điểm b khoản 2 Điều 97 Luật Thương mại: “Thương nhân phải thông báo công khai trị giá tuyệt đối hoặc phần trăm thấp hơn giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ bình thường trước thời gian khuyến mại”. Thế nhưng, một bất cập là giá hàng hóa do doanh nghiệp bán hàng tự ấn định, luật không điều chỉnh giá đối với các mặt hàng thông thường, lấy đâu giá trước thời gian khuyến mãi để so sánh, đặc biệt là đối với hàng khuyến mãi quanh năm. Do vậy với quy định hở đầu, hở đuôi như hiện nay, doanh nghiệp muốn khuyến mãi bao nhiêu cũng được. Chỉ cần nâng khống giá rồi niêm yết giảm giá trở về giá bình thường, chiêu đó đã lừa biết bao khách hàng ít khảo sát thị trường.

Kỹ sư Nguyễn Văn Thành (Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng) tư vấn: Người tiêu dùng không nên chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến thiệt hại lâu dài. Đừng ham khuyến mãi mà hãy xét hậu mãi ra sao, cụ thể là chế độ bảo dưỡng (có nhiều cửa hàng bảo hành thuận tiện, chính hãng hay ủy thác…), giá cả linh kiện thay thế (có mắc không, dễ tìm không…). Nếu chúng ta mua một sản phẩm giá rẻ mà đến khi hỏng dù chỉ một cái ron nhỏ cũng không tìm được linh kiện thay thế thì coi như vứt cả sản phẩm.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục