Kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI

Kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI

Tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã trình bày Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Báo cáo nhận định: 5 năm qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu cơ bản; nhưng cũng còn nhiều tồn tại, khuyết điểm, yếu kém cần phải khắc phục.

Phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Quyết sách kịp thời, nâng cao vị thế Việt Nam

Một trong những thành tựu nổi bật được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đánh giá cao là việc kịp thời có những quyết sách, chỉ đạo để có sự hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời cho các chủ trương về phương án kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, nhất là biển Đông, Trung ương đã bàn và đề ra chủ trương giải pháp tổng thể để Bộ Chính trị triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực, tạo sự đồng thuận trong xã hội và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là hội nhập kinh tế. Xử lý nhiều vấn đề nhạy cảm, góp phần giữ vững môi trường hòa bình ổn định và phát triển đất nước, nâng cao vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, Trung ương cũng ban hành các nghị quyết về xây dựng, kiện toàn, chỉnh đốn Đảng; quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương giai đoạn 2016-2021, tái lập Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy Ngoài nước; cho ý kiến, phê bình và tự phê bình các thành viên Bộ Chính trị...

Đánh giá về các vị Ủy viên Trung ương khóa XI, báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, hầu hết các ủy viên đều có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, nghiêm túc thực hiện Điều lệ Đảng... Đa số ủy viên đều nêu gương tốt về phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, dám nghĩ, dám làm, lắng nghe nhân dân. Đồng thời chủ động tham gia những đề án quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh, do đó hầu hết đều được tín nhiệm cao trong cơ quan và đơn vị phụ trách.

Trách nhiệm cá nhân người đứng đầu một số lĩnh vực chưa rõ

Ban Chấp hành Trung ương khóa XI cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, khuyết điểm, yếu kém cần phải khắc phục. Cụ thể, vẫn có một số ủy viên chưa thường xuyên nghiên cứu, đề xuất, phát hiện những vấn đề, tồn tại trong thực tiễn, chưa kịp thời chỉ đạo các cấp đưa và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước. Một số ít vị trí chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chưa phát huy hết vai trò, nắm chưa chắc tình hình địa phương, đơn vị, đồng thời thiếu chủ động lãnh đạo, xử lý kịp thời những tình huống phức tạp. Đáng chú ý, vẫn còn những đồng chí chưa gương mẫu hoặc để vợ, con, người thân, cấp dưới lợi dụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Đồng chí Lê Hồng Anh trình bày Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI

Một số hạn chế khác cũng được Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh chỉ ra, đó là: chưa dự báo hết tình hình khó khăn, phức tạp khi đất nước tham gia hội nhập sâu rộng, ký kết các hiệp ước quốc tế, tình hình diễn biến trên biển; công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng vẫn chưa đạt được mục tiêu. Theo đồng chí Lê Hồng Anh, những thiếu sót, khuyết điểm có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân quan trọng là do hoạt động, phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực còn hạn chế, chưa tập trung quyết liệt trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong một số lĩnh vực chưa rõ. Một trong 5 bài học kinh nghiệm qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo được nêu trong báo cáo là phải thường xuyên đề cao vai trò trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo quản lý, điều hành của các cấp ủy, người đứng đầu các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. “Trong lãnh đạo phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Cương lĩnh, Chiến lược, Nghị quyết Đại hội, quy chế làm việc và các Nghị quyết, Kết luận các cuộc làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong chỉ đạo phải quyết liệt, kiên trì, sáng tạo, luôn bám sát tình hình thực tiễn của đất nước và trên thế giới; nâng cao khả năng dự báo phát hiện những diễn biến mới những vấn đề lớn quan trọng phát sinh để kịp thời đề ra chủ trương giải pháp phù hợp” - đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục