(SGGP).- Ngày 26-4, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã có buổi làm việc với huyện Củ Chi và Sở Y tế TPHCM về dự án Bệnh viện An Nhơn Tây (tên gọi cũ của Bệnh viện Củ Chi). Mặc dù khởi công từ năm 2012 nhưng đến nay, bệnh viện vẫn thiếu bác sĩ, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết Bệnh viện An Nhơn Tây hiện có công suất 300 giường với tổng kinh phí đầu tư khoảng 345 tỷ đồng, trong đó gói xây lắp 160 tỷ đồng và gói thiết bị y tế 185 tỷ đồng. Công trình bệnh viện đã đưa vào sử dụng vào tháng 1-2016, còn gói thiết bị đến tháng 2-2016 Sở Y tế mới thẩm định về mặt kỹ thuật. Dự kiến ngày 5-5, Ban Quản lý các công trình xây dựng Củ Chi sẽ mở thầu và tới 10-7 sẽ hoàn thành gói thầu thiết bị. Bệnh viện sẽ khám chữa bệnh cho người dân 8 xã phía Tây Củ Chi và một số người dân ở Bình Dương.
Đồng chí Đinh La Thăng đặt câu hỏi: “Trước đây, với tư cách chủ đầu tư sao Sở Y tế không thực hiện đấu thầu thiết bị? Bây giờ bệnh viện xây xong rồi mới đấu thầu thiết bị? Đầu tư phải đồng bộ chứ. Vì sao bệnh viện xây xong rồi mà chưa có đủ thiết bị y tế?”.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Với Bệnh viện An Nhơn Tây, Sở Y tế TPHCM khác với sở y tế những nơi khác là chỉ phụ trách về công tác chuyên môn; do đó tất cả các dự án bệnh viện thuộc tuyến quận huyện thì chủ đầu tư là bệnh viện hoặc là ban quản lý các dự án của quận huyện. Từ năm 2015, sau khi lãnh đạo TP chỉ đạo, Sở Y tế đã cử đoàn xuống hướng dẫn, phát triển bệnh viện này với quy mô 300 giường, trong tương lai 500 giường. Về đầu tư trang thiết bị thì chủ đầu tư là bệnh viện và ban quản lý các dự án phải xây dựng các danh mục, rồi đưa lên Sở Y tế thẩm định. Từ tháng 9-2015, Sở Y tế đã nhiều lần hướng dẫn để làm sao đưa bệnh viện vào vận hành. Tuy nhiên, do bệnh viện chỉ có 14 bác sĩ thì không thể xây dựng được cấu hình cũng như ban quản lý chưa chọn được cấu hình nào phù hợp”. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh phân trần nhưng đồng chí Đinh La Thăng chưa hài lòng với lời phân trần này và yêu cầu Đảng ủy Sở Y tế phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan tới sự chậm trễ trong việc vận hành, khai thác và phải có biện pháp xử lý những người liên quan, kể cả người đứng đầu. Việc kiểm điểm không thể chung chung, trên đổ dưới, dưới đổ trên và cuối cùng người dân phải chịu thiệt. Về phía huyện cũng phải xử lý nghiêm những người có liên quan để xảy ra việc chậm trễ. Báo cáo gửi về Thành ủy, UBND trước ngày 15-5.
LINH ĐAN