Kiểm soát chi tiêu, quản lý chặt chẽ vay, trả nợ

Chiều 20-10, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về: kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); dự án Luật NSNN sửa đổi; và dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi).

Chiều 20-10, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về: kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); dự án Luật NSNN sửa đổi; và dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi).

Đồng thuận tăng thuế thuốc lá, bia, rượu

Theo tờ trình của Chính phủ, dự kiến, từ ngày 1-1-2016, thuế TTĐB đối với thuốc lá như tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 1-1-2019 tăng từ 70% lên 75%. Đối với mặt hàng rượu, bia, để hạn chế sử dụng, thuế suất được Chính phủ đề nghị rượu từ 20 độ trở lên tăng từ mức thuế suất 50% lên thuế suất 65% (tăng 15%) và rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%); đối với bia, từ ngày 1-7-2015 tăng từ 50% lên 55%, từ ngày 1-1-2017 tăng lên 60% và từ ngày 1-1-2018 tăng lên 65%. Đối với xăng sinh học E5, E10 được pha chế theo tỷ lệ tương ứng 95%, 90% xăng RON 92 và 5%, 10% cồn sinh học hiện đang thuế suất TTĐB là 9,5% và 9% được Chính phủ đề nghị giảm còn 9% và 8,5% để khuyến khích sử dụng. Với thuế suất đối với hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, Chính phủ đề nghị tăng từ 30% lên 35%.

Thẩm tra về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TTĐB, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đa số ý kiến đồng tình với việc tăng thuế suất với trình của Chính phủ. Tuy nhiên, với thuốc lá, cơ quan này đề nghị lộ trình tăng thuế thay đổi, từ 65% lên 70% từ ngày 1-7-2015 đến 31-12-2017 và tăng từ 70% lên 75% từ ngày 1-1-2018 thay vì 1-1-2019. Cũng theo cơ quan này, hiện tình trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng gia tăng, công tác phòng chống chưa đạt hiệu quả nên lộ trình như trên là hợp lý. Đối với rượu, cơ quan thẩm tra cũng đồng tình với tờ trình của Chính phủ và đề nghị tăng cường chống buôn lậu, hàng giả, kém chất lượng.

Lo ngại thu thấp, chi dàn trải, thất thoát

Kết quả thực hiện dự toán NSNN năm 2014, theo báo cáo của Chính phủ, cả năm 2014 là 846.800 tỷ đồng, vượt 10,6% so với dự toán (dự toán thu 782.700 tỷ đồng) tương đương 63.700 tỷ đồng. Dự toán chi 1.006.700 tỷ đồng, bội chi bằng dự toán là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP. Tổng chi NSNN cả năm khoảng 1.070.400 tỷ đồng, vượt 6,3% so với dự toán, tương ứng với số vượt thu. Định hướng vượt thu năm 2014, trong đó vượt thu ngân sách trung ương dành cho chi trả nợ, một số nhiệm vụ cấp bách về quốc phòng an ninh, an sinh xã hội.

Dự toán thu NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015 ước 915.100 tỷ đồng, tăng 8,8% so với ước thực hiện dự toán NSNN năm 2014. Dự toán chi NSNN năm 2015 là 1.137.100 tỷ đồng. Bội chi 5% GDP, tương đương 226.000 tỷ đồng. Dư nợ công là 64% GDP, trong phạm vi quy định. Trong đó, chi trả nợ và viện trợ 150.000 tỷ đồng (tăng 30.000 tỷ đồng so với năm 2014), đảm bảo chi trả các khoản vay nước ngoài đến hạn đảm bảo cả gốc và lãi, một phần gốc và lãi vay trong nước khoảng 130.000 tỷ đồng và phát hành vay đảo nợ.

Thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến đồng tình với báo cáo của Chính phủ nhưng một số ý kiến cho rằng, số vượt thu năm 2014 có thể cao hơn và Chính phủ cần ước số tăng thu sát với thực tế để chủ động trong điều hành những tháng cuối năm 2014, đồng thời tạo cơ sở xây dựng dự toán NSNN năm 2015 vững chắc hơn. Điều này bắt nguồn từ việc thu năm 2014 còn một số tồn tại như: thu thiếu ổn định chưa vững chắc, nếu loại trừ thu từ cổ tức, nợ đọng phát sinh trong năm 2014 thì số tăng thu không lớn; nợ đọng thuế vẫn tăng nhanh và cao hơn năm 2013… Về chi, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc thắt chặt chi tiêu đã bước đầu có hiệu quả. Song qua giám sát việc quản lý, điều hành chi còn những hạn chế như: chi thường xuyên trong tổng cân đối chi tăng từ 60% của năm 2011, 2012 lên 67%, 68% năm 2013, 2014 nhưng vẫn còn một số chính sách an sinh chưa có nguồn thực hiện. Bên cạnh đó, chi cải cách tiền lương không thực hiện được theo lộ trình, mục tiêu đề ra, chi trả nợ duy trì 11% - 12% tổng chi cân đối song năm 2014 đã phải thực hiện vay đảo nợ cao hơn so với những năm trước, một số khoản nợ chưa tính hết, cơ cấu chi vẫn dàn trải; thất thoát, lãng phí… “Đây là dấu hiệu của cơ cấu chi không lành mạnh, phản ánh tình hình rất khó khăn trong cân đối NSNN, đòi hỏi kiểm soát thận trọng chi tiêu, cân đối thu - chi, quản lý chặt chẽ kế hoạch vay và trả nợ, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia”, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Về dự toán thu, đa số ý kiến cơ bản đồng tình nhưng đề nghị lưu ý: thực hiện đúng quy định các khoản thu phải theo luật định, tránh lạm thu như một số địa phương; chống thất thu… Về chi, các khoản chi, chi thường xuyên 67,5%. Đây là tỷ trọng có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, do vậy, Chính phủ cần rà soát, xem xét cắt giảm các khoản chi kém hiệu quả, gây lãng phí… Về việc tăng lương tối thiểu, một số ý kiến đề nghị bố trí kinh phí để tăng theo lộ trình để bảo đảm đời sống cho người về hưu và cán bộ công chức có thu nhập thấp.

Xung quanh chi trả nợ, viện trợ là 150.000 tỷ đồng, tăng 30.000 tỷ đồng dự toán năm 2014, cơ quan thẩm tra cho rằng đây là mức tăng khá cao và Chính phủ cần quản lý chặt chẽ vay nợ trung hạn, tích cực trả nợ vay ngắn hạn, tạo điều kiện sớm phát triển thị trường thứ cấp trái phiếu Chính phủ.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục